Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số”.
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, trong thời đại hiện nay, nhất là với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hiện, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng, không có sự đồng ý của khách hàng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong thế giới phẳng ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số trở nên đặc biệt quan trọng, và nó mang tính quốc tế không còn biên giới.
“Thời gian qua, nhiều người đã chứng kiến người khác hoặc chính mình bị xâm phạm các quyền riêng tư, bị xâm phạm một cách bất hợp pháp, sử dụng một cách bất hợp pháp dữ liệu các nhân”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải nói.
Thực tiễn hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những nguyên tắc để bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp năm 2013; có những quy định để bảo vệ quyền cá nhân trong Bộ Luật dân sự và những chế tài kèm theo; có những quy định chế tài khá nghiêm khắc trong một vài điều, một vài tội danh trong Bộ Luật hình sự…
“Thế nhưng, dường như tất cả các văn bản pháp luật đó còn chưa đủ, bởi sự phát triển quá mạnh như vũ bảo của công nghệ thông tin, công nghệ số và các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kẻ xấu muốn chiếm đoạt, sử dụng một cách bất hợp pháp dữ liệu cá nhân”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải cho biết thêm.
Theo các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, luật sư, trong thời đại cách mạng 4.0, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở nên khó khăn và cấp bách hơn bao giờ hết.
Để phòng tránh, khắc phục những nguy cơ và hệ lụy xâm phạm dữ liệu cá nhân, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm các biện pháp kỹ thuật và biện pháp pháp lý, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các thành viên trong xã hội.
Hội thảo đã tập trung phân tích tổng quan các vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về khía cạnh thực thi và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các lĩnh vực cụ thể; những điểm mới cơ bản trong Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực vào ngày 1/7 tới; vai trò của luật sư trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số bằng quy định của pháp luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông…
Gửi phản hồi
In bài viết