Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giới thiệu về cây mắc ca là loại cây trồng có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu sử dụng trên thế giới lớn, nhưng hiện cung không đủ cầu. Mô hình trồng xen cây mắc ca với cây chè đã được triển khai ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đem lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm diện tích canh tác, tiết kiệm công lao động, che bóng cho cây chè, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Tại tỉnh Tuyên Quang, hiện có 6,5ha cây mắc ca, sản lượng khoảng 2,5 tấn. Tỉnh có 1 cơ sở tách hạt tại huyện Sơn Dương với công suất tiêu thụ khoảng 1 tấn/năm. Cây mắc ca bước đầu phù hợp thổ nhưỡng khí hậu của tỉnh.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang khẳng định, tỉnh Tuyên Quang có đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển cây mắc ca và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tiến hành các khảo nghiệm, khảo sát tại tỉnh. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, các huyện nghiên cứu cụ thể tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trồng cây mắc ca trên diện tích phù hợp, nhất là trồng thử nghiệm xen kẽ với 8.000 ha chè để nâng cao hiệu quả kinh tế. UBND tỉnh sẽ cử đoàn công tác đi tham quan các tỉnh trồng cây mắc ca để đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy định hướng phát triển trong thời gian tới. Các sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh trong việc phát triển cây mắc ca và phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong việc đưa cây mắc ca vào trồng để phát triển kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết