HTX nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) nuôi ong lấy mật xuất khẩu, doanh thu hàng năm đạt trên 5 tỷ đồng.
Những hợp tác xã “hữu danh vô thực”
Hợp tác xã Công nghiệp dịch vụ nông nghiệp Hoàng Long, thôn Tân Lập, xã Đức Ninh (Hàm Yên) ra đời từ năm 2019. Theo giấy đăng ký kinh doanh, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực thu mua sắn và chế biến bột sắn. Tuy nhiên không lâu sau đó HTX đã phá sản. Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, hiện HTX vẫn còn nợ đọng thuế với nhà nước, đầu năm ngành thuế đề nghị xã hỗ trợ thực hiện truy thu tuy nhiên không thể tìm được chủ thể để giải quyết. Do chủ thể đứng tên thành lập HTX chỉ mượn danh, địa điểm để thành lập và trong quá trình hoạt động không hiệu quả đã… “cao chạy xa bay”.
Cũng trên địa bàn xã Đức Ninh, Hợp tác xã Phúc Hưng Thịnh, có địa chỉ ở thôn 21 tuy nhiên khi lần tìm theo địa chỉ hoàn toàn không có trên thực tế.
Hợp tác xã Tri Phú (Chiêm Hóa), dù có tên, địa chỉ cụ thể rõ ràng tuy nhiên lại không hoạt động do không tìm được ngành nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận. Đồng chí Hoàng Văn Đoan, Chủ tịch UBND xã Tri Phú giãi bày, HTX xã hoạt động dựa vào 2 nguồn thủy lợi phí và cung ứng dịch vụ giống, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên 4 năm trở lại đây nguồn thu từ nguồn cấp bù thủy lợi phí không còn nhiều, số lượng người sử dụng các dịch vụ cung ứng giống vật tư, phân bón của HTX ít dần đồng nghĩa với nguồn thu của HTX vơi theo. Nguồn thu này không đủ để duy trì hoạt động của HTX xã, chưa nói đến trả lương cho Ban quản trị. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc kiện toàn lại công tác nhân sự. Đồng chí chủ tịch xã khẳng định, 2 năm (từ năm 2019 đến hết 2020) HTX thay 3 giám đốc nhưng cũng không khởi sắc, doanh thu vẫn ở con số 0. Do vậy HTX đã ngừng hoạt động.
HTX chăn nuôi kinh doanh thịt trâu, bò sạch xã Thái Sơn (Hàm Yên) quy mô trên 200 con/lứa,
đảm bảo việc làm, thu nhập của các thành viên.
Theo kết quả đánh giá xếp loại của Liên minh HTX tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, 62 HTX hoạt động kém hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, HTX này chỉ tồn tại trên danh nghĩa hoặc hoạt động không đúng theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân của tình trạng này là HTX có điểm xuất phát thấp, các thành viên góp vốn ít hoặc không tham gia góp vốn; trình độ năng lực yếu, phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, năng lực tiếp cận thị trường kém... Những HTX hoạt động yếu, kém, ngừng hoạt động đã và đang kìm hãm đến sự phát triển chung của kinh tế tập thể trên địa bàn chưa nói đến việc kích thích được sản xuất phát triển.
Xử lý dứt điểm trì trệ
Hợp tác xã nông, lâm nghiệp Công Đa (Yên Sơn) hiện chỉ trông vào nguồn cấp bù thủy lợi phí để duy trì hoạt động. |
Trong phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trình bày dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu chung đưa ra là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế. Xây dựng và phát triển mô hình HTX kiểu mới với nhiều mô hình liên kết, hợp tác xã, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể. Tại phiên họp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đồng tình với kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của ngành chuyên môn. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể, trong đó có HTX có sự bứt phá, các địa phương phải có biện pháp mạnh, sớm xử lý dứt điểm các hợp tác xã hoạt động yếu kém tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế tập thể trên địa bàn.
Trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản số 3772/UBND - NLN gửi các địa phương, đơn vị liên quan về việc xử lý dứt điểm các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, đánh giá hoạt động của các HTX đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, lập danh sách các HTX hoạt động yếu kém và ngừng hoạt động, xác định rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp củng cố cũng như giải thể đối với những HTX ngừng hoạt động trong thời gian dài. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ xử lý dứt điểm 60 HTX hoạt động yếu và đã ngừng hoạt động trong thời gian dài.
Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên khẳng định, huyện đã rà soát, phân loại cụ thể các HTX trên địa bàn. Đối với các HTX ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động và yếu kém huyện có giải pháp hỗ trợ để củng cố lại tổ chức bộ máy và thành viên với quy mô phù hợp; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của HTX; đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ chủ chốt của HTX; tạo điều kiện cho HTX tham gia các hoạt động công ích, dịch vụ công, hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực nông thôn theo quy định… Đối với HTX ngừng hoạt động kéo dài không có khả năng đổi mới huyện vận động chủ thể HTX tự nguyện giải thể. Trường hợp không tự nguyện giải thể sẽ thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc theo đúng quy trình và quy định. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm, tạo điều kiện cho các HTX còn lại phát huy thế mạnh, đảm bảo HTX phải mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho các thành viên.
Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên) cũng khẳng định, xã đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục để chấm dứt dứt điểm 2 HTX “hữu danh vô thực” trên địa bàn.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, hoàn thành mục tiêu giải thể các HTX hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, rất cần sự vào cuộc, ý thức chấp hành quy định từ chính các hợp tác xã trong diện phải giải thể. Bởi đây sẽ là những bước đi cấp thiết để tập trung củng cố lại các hợp tác xã theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với tính chất của lực lượng sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết