Ảnh minh họa
Về quy định giống cây trồng được biết đến rộng rãi, theo quy định tại Thông tư số 16/2013/TT-BNNPTNT, giống cây trồng cùng loài với giống đăng ký bảo hộ được coi là giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1- Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ; 2- Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc được công nhận sản xuất thử, công nhận chính thức hoặc có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào; 3- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới hoặc đơn đăng ký khảo nghiệm hoặc đơn đăng ký công nhận giống cây trồng mới tại Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.
Theo Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT, giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1- Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;
2- Giống cây trồng được bảo hộ hoặc được công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành, công nhận sản xuất thử, công nhận chính thức tại Việt Nam hoặc thuộc danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh ở bất kỳ quốc gia nào;
3- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký nhằm mục đích: Bảo hộ giống cây trồng; công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách; danh mục giống ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.
Giống cây trồng được coi là không còn tính mới sau 12 tháng kể từ ngày được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Giống được phép sản xuất, kinh doanh gồm: Giống đã được công nhận chính thức; giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; giống được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách; giống tự công bố lưu hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.
Cấp, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng
Theo Thông tư, hồ sơ cấp bằng bảo hộ giống cây trồng gồm Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS theo mẫu. Trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP.
Thông tư nêu rõ, chủ sở hữu có quyền yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng trong các trường hợp sau: Mất, rách, hỏng, phai mờ đến mức không đọc được, thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ.
Hồ sơ yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng gồm: Tờ khai yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng theo mẫu; tài liệu pháp lý chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ chủ bằng bảo hộ giống cây trồng đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ; bản chính bằng bảo hộ giống cây trồng (trừ trường hợp bằng bị mất); giấy ủy quyền theo mẫu đối với trường hợp nộp đơn qua đại diện.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt quyết định cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng và trả kết quả cho người đăng ký. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt trả lời bằng văn bản cho người đăng ký và nêu rõ lý do. Trường hợp có ý kiến phản đối việc cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng của người thứ ba, việc xử lý ý kiến thực hiện theo các quy định tại Điều 184 Luật Sở hữu trí tuệ.
Bằng bảo hộ giống cây trồng cấp lại được cấp sau 30 ngày kể từ ngày đăng tải quyết định cấp lại trên Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bằng bảo hộ giống cây trồng cấp lại phải được giữ nguyên số bằng và ghi rõ nội dung “cấp lại” tại góc trái phía dưới của bằng bảo hộ.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2021.
Gửi phản hồi
In bài viết