Dự thảo nêu rõ, làng nghề được cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận phải có hạ tầng về bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường, có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ: Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: 1- Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; 2- Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 3- Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
Phương án bảo vệ môi trường làng nghề do UBND cấp xã xây dựng 5 năm một lần. Trường hợp cần thiết, phương án này được điều chỉnh, bổ sung hằng năm để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo dự thảo, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề được thành lập và hoạt động theo quy chế do UBND cấp xã ban hành có trách nhiệm: Tham gia quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các công trình thuộc hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề theo phân công của UBND cấp xã; phổ biến, theo dõi, đôn đốc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thực hiện các quy định bảo vệ môi trường; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề; hương ước, quy ước có nội dung bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường; tham gia kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở trong làng nghề khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu…
Chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề
Theo dự thảo, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc rà soát cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng có nghề để đề xuất kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất và chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích, báo cáo UBND cấp huyện để tổng hợp, hoàn thiện và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Ngành, nghề sản xuất không khuyến khích phát triển tại làng nghề gồm: 1- Ngành, nghề không thuôc ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; 2- Ngành, nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 3- Ngành, nghề sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu hoặc hóa chất dễ cháy, dễ nổ, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh theo quy định của Luật Hóa chất; 4- Ngành, nghề sử dụng dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất và chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề được xây dựng 5 năm một lần, do UBND cấp tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp cần thiết, kế hoạch này được điều chỉnh, bổ sung hằng năm để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
UBND cấp huyện tổng hợp nhu cầu ngân sách về bảo vệ môi trường làng nghề, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt; chỉ đạo triển khai các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Gửi phản hồi
In bài viết