“Trụ cột” của bản làng
Từng là một Cựu chiến binh, nhiều năm liền tham gia công tác tại địa phương, năm 2001 hưởng chế độ hưu trí, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Long (Yên Sơn) Lý Đình Quý đảm nhiệm thêm việc của chi bộ, khu dân cư sinh sống. 20 năm là Bí thư Chi bộ thôn Đình Quải. Mới đây ông được bà con tín nhiệm bầu là Trưởng thôn. Dù ở vị trí nào ông cũng làm tốt nhiệm vụ của mình, được Đảng tin, dân quý. Ông Quý luôn nói đi đôi với làm, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo và vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, xây dựng khu dân cư văn hóa. Ông Quý tâm sự: “Trong điều lệ Đảng không quy định “tuổi hưu” cho đảng viên, là người được các đảng viên và nhân dân trong chi bộ và khu dân cư tin tưởng giao phó trọng trách, còn sức, tôi còn làm việc phục vụ nhân dân”.
Đồng chí Lý Đình Quý, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đình Quải, xã Tân Long (Yên Sơn) cùng với người dân kiểm tra công tác thu chi ủng hộ các loại quỹ của thôn.
Giống như ông Quý, bà Nguyễn Thị Đoan là cán bộ y tế xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) về nghỉ hưu. Bà luôn xác định, đã là đảng viên thì dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, khi Đảng cử, dân bầu phải hoàn thành tốt mọi công việc. Chính vì thế, khi nghỉ hưu, bà Đoan vẫn tích cực tham gia các hoạt động của khu dân cư như Trưởng Ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn Trung Vượng 2. Gần 10 năm tham gia việc thôn bản, bà Đoan đã hóa giải nhiều mâu thuẫn phát sinh giữa các gia đình trong khu dân cư, giải quyết được những vấn đề người dân bức xúc nhiều năm, tạo niềm tin để đảng viên và nhân dân đồng lòng, thống nhất.
Chiếm gần 30% tổng số đảng viên của cả tỉnh, khi nghỉ hưu, các đảng viên không hề nghỉ việc, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho quê hương. Nhiều đảng viên từng công tác tại nhiều vị trí chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị đã tiếp tục cống hiến, tham gia vào các hoạt động phong trào xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương khi được Đảng cử dân bầu. Các đảng viên luôn tâm niệm “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc Đảng việc dân”.
“Sức nặng” của người đảng viên uy tín
Được coi là “vốn quý” ở cơ sở, khi tham gia sinh hoạt tại khu dân cư, nhiều cấp ủy, chi bộ thường xuyên tranh thủ ý kiến, trí tuệ và kinh nghiệm của đảng viên hưu trí để sát cánh cùng lớp đảng viên ở chi bộ thôn, bản, tổ dân phố thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương. Nhiều đảng viên đã phát huy được trí tuệ, sự uy tín làm công tác dân vận hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong các phong trào địa phương, phát triển kinh tế, kết nối tình làng nghĩa xóm.
Ông Hà Nguyên là Thiếu tá thuộc Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu thuộc cơ quan Bộ Quốc phòng. Ông nghỉ hưu năm 1991 sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phù Lưu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu. Ông được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Ở cương vị nào ông cũng thể hiện vai trò “đầu tàu” gương mẫu.
Bà Nguyễn Thị Đoan, Trưởng thôn Trung Vượng 2, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) hướng dẫn người dân
sử dụng bể chứa rác thải tại nhà.
Người dân thôn Pác Cáp luôn nhớ đến ông Hà Nguyên là người đầu tiên phá bỏ vườn tạp để trồng cây cam. Trước đây, bà con chỉ trồng cam quanh nhà để lấy quả ăn, chưa nghĩ tới việc trồng cam trên đồi, trồng cam ở xa nhà. Ông Nguyên cũng là người đầu tiên làm việc đó. Thấy có lãi và cần phải phát triển cây cam thành loại quả hàng hóa, ông đã vận động nhân dân cùng trồng. Sau ông, nhiều hộ ở Pác Cáp đã làm theo. Hiện nay, gia đình ông có 4 ha cam, mỗi năm trừ chi phí, bình quân cho thu lãi trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng bưởi các loại, thả cá và nuôi gà thả đồi. Trang trại của ông đã được cấp giấy chứng nhận. Nhiều năm liền ông được đi dự hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh. “Làm được, nói hay”, nhiều năm liền bà con tin tưởng bầu là người uy tín của thôn.
Ông Nguyên luôn là người có trách nhiệm với từng việc làng việc bản, trước đây, khi thôn được Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát sỏi để làm trên 1 km kênh mương nội đồng, nhân dân đóng góp ngày công. Để tránh tình trạng thất thoát xi măng, ông Nguyên vận động đảng viên và người dân trong thôn tự làm chứ không thuê người bên ngoài. Ý kiến này ban đầu nhiều người không đồng thuận nhưng ông đã đến từng hộ gia đình làm công tác dân vận. Bằng cách nói “thấu tình đạt lý”, nhiều hộ dân đã tin và tự nguyện đóng góp ngày công lao động cùng thôn để làm tuyến mương. Rồi việc làm nhà văn hóa với cấu kiện được Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp ngày công và tiền để hoàn thiện mang ra họp thôn. Không ít hộ đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền mặt để nhân dân tự thiết kế. Ông bảo: “Cũng vận động, giải thích mãi, nhân dân mới nghe đấy”.
Theo Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Quyết thì ông Nguyên là tấm gương Cựu chiến binh gương mẫu. Không chỉ là người có uy tín trong thôn, ông còn là điển hình dân vận khéo. Nhiều công việc của thôn, xã phải nhờ tiếng nói của ông. Không chỉ gần gũi, gắn bó và sống chan hòa với nhân dân, ông Nguyên còn rất nguyên tắc và có nhiều đóng góp xây dựng Chi bộ thôn Pác Cáp nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh.
Còn ông Thạch Văn Túc từng là cán bộ xã về hưu, ông là thuộc tộc người Tống nhưng ông biết cả tiếng Dao, Tày, Nùng, Mông, Kinh… Suốt hàng chục năm làm Trưởng thôn rồi Bí thư Chi bộ, nay ông là người uy tín của Đồng Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn). Với trọng trách người đảng viên ông luôn chu toàn mọi việc làng việc bản. Từ việc giải quyết mâu thuẫn trong mỗi gia đình, dòng họ… đến việc trồng rừng, làm kinh tế.
Bản làng nhỏ với 175 nóc nhà, có người Dao, Nùng, Tống, Mông, Tày, La Chí, Pà Thẻn… Mỗi dân tộc có cách sống và luật tục riêng nên đôi lúc không tránh khỏi xích mích, bất đồng. Ông Thạch Văn Túc chia sẻ, có rất nhiều tập tục của làng không thể giải quyết một cách cứng nhắc. Nhiều năm về trước vấn đề tranh chấp đất đai giữa các gia đình, dòng họ là chuyện nổi cộm nhất. Ông Túc đến nhà tuyên truyền giải thích quy định luật pháp rồi đưa ra những lý lẽ về tình nghĩa làng xóm. Nhiều vụ việc đã được ông nhanh chóng “hóa giải” không để chuyện bé, xé ra to, từng bước tạo sự gắn bó, đoàn kết trong nhân dân.
Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, ông còn trực tiếp đến từng gia đình vận động phát triển kinh tế rừng. Ông bảo, trước kia bà con nghĩ trồng rừng là việc của cán bộ lâm trường, chưa có tư tưởng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Cuộc sống khó khăn, nhiều người chặt phá cây rừng. Ông tích cực phối hợp cán bộ xã vận động, tuyên truyền. “Miệng nói tay làm”, để nêu gương cho bà con, ông Túc nhận 10 ha đất đồi về trồng. Cách thức “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh cây ngô, sắn trong quá trình đợi cây keo, cây mỡ khép tán. Ông vay vốn mở rộng chăn nuôi thêm lợn, gà. Lợi nhuận ông thu được từ mô hình kinh tế tổng hợp đạt trên 100 triệu đồng/năm. Thấy được lợi ích kinh tế lâu dài, bà con trong thôn chủ động trồng rừng. Toàn thôn hiện có có gần 300 ha rừng. Ông Túc khoe, ở đây nhà nào cũng có rừng, hộ ít thì từ 2 đến 3 ha, hộ nhiều gần chục ha. Màu xanh của rừng dần trải khắp bản làng như những bức tường thành ngăn mưa nguồn suối lũ, bảo vệ, chở che các hộ dân.
Trên địa bàn toàn tỉnh, mỗi người đảng viên hưu trí đều có những cách làm khác nhau để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đông đảo quần chúng nhân dân. Mặc dù tuổi đã cao nhưng họ vẫn tích cực với công việc “vác tù và hàng tổng”, trở thành những “đầu tàu” cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm cho dân, cho Đảng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết