Nhằm tận dụng tối đa hiệu quả của xu hướng thương mại điện tử, Huyện đoàn Na Hang đã chủ động phối hợp với Chương trình Vùng Na Hang, Hội Nông dân huyện thành lập Fanpage trên mạng xã hội Facebook với tên gọi “OCOP Na Hang - Du lịch sinh thái - Nông sản vùng cao”. Qua đó, thiết lập được Ban Quản trị nhóm gồm 5 thành viên; nhóm thường trực gồm các Bí thư Đoàn 12 xã, thị trấn và Giám đốc HTX Thanh niên trên địa bàn huyện. 2 năm qua, Fanpage này đã thu hút 1.100 thành viên là người sản xuất, người mua, bán sản phẩm, quảng bá du lịch, dịch vụ của địa phương.
Bên cạnh quảng bá trên Fanpage, Huyện đoàn đã phối hợp xây dựng và duy trì hệ sinh thái, kênh bán hàng truyền thông Online thông qua Webiste nahangmenyeu.com, nhóm Zalo “OCOP Na Hang” với 25 sản phẩm nông sản đặc trưng. Trong đó, có 16 sản phẩm đã công nhận đạt OCOP. Chị Bàn Thu Hà, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) cho biết, chị thường mua một số sản phẩm thiết yếu để sử dụng hoặc làm quà như sản phẩm Chè Shan tuyết Hồng Thái, mật ong Sơn Phú, Bún khô Đà Vị, Gạo nếp Khẩu Láng trên Webiste nahangmenyeu.com bởi các sản phẩm được niêm yết giá công khai, ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, cơ sở sản xuất, số điện thoại liên hệ. Chị rất tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm và giới thiệu cho bạn bè, người thân mua sản phẩm tại Website.
Mô hình chăn nuôi gà ri của thành viên HTX Nông nghiệp Năng Khả, xã Năng Khả (Na Hang).
Huyện đoàn Na Hang tích cực vận động ĐVTN phát huy vai trò xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tham gia tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thực hiện khởi nghiệp từ OCOP. HTX Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả ra đời tháng 6-2019 từ tâm huyết đó của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp. HTX là mô hình HTX đầu tiên của huyện do chính thanh niên dân tộc thiểu số làm chủ. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, mỗi tháng, HTX xuất bán trên 20.000 con gà, vịt, ngan giống; 30.000 gà thịt và các loại rau đặc sản, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/thành viên/tháng. Bởi đã đảm bảo số lượng gà thịt, năm 2021, HTX đăng ký sản phẩm OCOP với 2 sản phẩm gà chế biến sẵn từ gà ác và gà ri. HTX đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo hướng dẫn; chuẩn bị xây dựng nhà xưởng và lắp đặt máy móc. Đây là 2 trong 4 sản phẩm đăng ký về đích OCOP trong năm 2021 của toàn huyện. Anh Hoàng Văn Lang, Bí thư Đoàn xã cho biết, thời gian tới, Đoàn xã sẽ chủ trì, phối hợp với tổ chức Hội CCB, Phụ nữ, Nông dân vận động đoàn viên, hội viên phát triển mô hình nuôi gà ác, gà ri để liên kết với HTX. HTX sẽ cung ứng con giống, hướng dẫn kỹ thuật để chất lượng sản phẩm đảm bảo theo đăng ký, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nếu hoàn thành mục tiêu năm 2021, toàn huyện có 20 sản phẩm đạt OCOP. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện phấn đấu có 45 sản phẩm đạt OCOP. Đồng chí Lương Huy Thuận, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: để hoàn thành mục tiêu đề ra, Huyện đoàn đang tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của ĐVTN tham gia Chương trình OCOP, phối hợp tuyên truyền các kiến thức về Sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Tổ chức Đoàn phát huy vai trò đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; khuyến khích, định hướng ĐVTN xây dựng các mô hình kinh tế gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; gìn giữ và phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống; tham gia tổ hợp tác sản xuất, chuỗi sản xuất, liên kết với HTX có sản phẩm đạt OCOP.
Huyện đoàn tiếp tục phối hợp với Chương trình Vùng củng cố hoạt động Ban Quản trị Fanpage, Website, nhóm Zalo nhằm quảng bá hiệu quả hơn sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản địa phương khác. Đồng thời, duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả của mô hình tủ trưng bày sản phẩm. Toàn Đoàn hiện có 14 tủ trưng bày sản phẩm của 12 xã, thị trấn. Trên cơ sở thống nhất các sản phẩm, giá bán cho các mặt hàng sẽ đặt tại tủ trưng bày; ưu tiên trưng bày sản phẩm OCOP và nông sản có giá trị hàng hóa của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết