Các đại biểu tham quan một cơ sở sản xuất mỹ nghệ tại huyện Đông Anh.
Về tiềm năng du lịch tại huyện Đông Anh, Sở Du lịch Hà Nội đánh giá, Đông Anh là huyện cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời nét đặc trưng của nền văn minh sông Hồng, với 124 di tích cấp quốc gia, thành phố; các di sản văn hóa phi vật thể, sản phẩm làng nghề truyền thống đặc sắc, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đa dạng. Đây là những tiềm năng rất lớn để khai thác tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Theo UBND huyện Đông Anh, nơi đây còn bảo tồn nhiều nét văn hóa độc đáo. Đan xen với các lễ hội là các trò chơi dân gian độc đáo như cướp cầu làng Viên Nội, kéo lửa thổi cơm thi làng Lương Quy, kén rể làng Đường Yên - Xuân Nộn... và các loại hình nghệ thuật truyền thống như rối nước Đào Thục, ca trù Lỗ Khê, tuồng cổ Xuân Nộn, chèo cổ Dục Tú, trong đó, rối nước Đào Thục đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách.
Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Trần Thị Dịu cho biết, huyện Đông Anh luôn xác định, du lịch di sản là một trong những sản phẩm chủ đạo của huyện. Việc phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của người dân và cộng đồng.
Ngoài những thuận lợi từ tiềm năng sẵn có, huyện Đông Anh cũng xác định việc phát triển du lịch còn gặp một số khó khăn. Một số sản phẩm du lịch mang tính thời vụ. Nguồn nhân lực tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa được đào tạo bài bản, việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối các tour, tuyến còn gặp nhiều khó khăn…
Để khắc phục những khó khăn này, huyện Đông Anh kiến nghị, thời gian tới, bên cạnh sự cố gắng của địa phương, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và doanh nghiệp lữ hành hỗ trợ tổ chức kết nối các tour, tuyến du lịch, đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch, làng nghề truyền thống của huyện Đông Anh.
Buổi tập huấn kỹ năng, kiến thức về du lịch cộng đồng tại huyện Đông Anh.
Để khắc phục những bất cập này, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long cho rằng, để du lịch phát triển cần có sự chung tay cùng làm du lịch của cộng đồng người dân. Người dân cần nắm tâm lý, văn hóa của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài để có cách ứng xử, phục vụ khác nhau, qua đó cần phải học cách ứng xử thân thiện với du khách bằng những cử chỉ, lời nói, nụ cười làm hài lòng du khách. Ngoài ra, vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ cũng cần phải được bảo đảm để tạo sự thoải mái cho du khách.
Bên cạnh đó, huyện Đông Anh nên phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghệ thuật trình diễn múa rối nước thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm)...
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, những năm gần đây, việc khai thác, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống, di sản, văn hóa lịch sử, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn để phục vụ phát triển du lịch ngày càng được coi trọng. Các địa phương, trong đó có Đông Anh nên có chính sách, kế hoạch biến di sản văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn thành tài sản, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
“Đông Anh cần chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, tận dụng lợi thế, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm ẩm thực, nông nghiệp tiêu biểu của địa phương như: Đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, quất Tàm Xá, bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng... qua đó gia tăng mức chi tiêu của du khách khi đến với Đông Anh”, ông Trần Trung Hiếu gợi ý.
Gửi phản hồi
In bài viết