Nghị lực của cựu chiến binh Mai Xuân Dần

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Mai Xuân Dần, sinh năm 1950, thương binh hạng 4/4, nạn nhân chất độc da cam/dioxin thôn Đầu Núi, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) luôn khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ông luôn giấu nỗi đau để vững vàng chăm lo cho gia đình và tạo dựng nên ngôi nhà chung cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn xã.

Năm 1968, ông Dần nhập ngũ tham gia đánh Mỹ ở chiến trường Thừa Thiên Huế. Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình ông đã có 11 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và 10 năm tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tuyên cũ.

Ông Dần kể lại, thời gian chiến đấu ác liệt nhất là từ tháng 2-1969 đến tháng 2-1974. Lúc này ông là bộ đội thuộc huyện đội Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạt động ở khu vực từ phía bắc đèo Hải Vân cho đến núi Bạch Mã, núi Dòn, núi Dẫm. Thời ấy, ông và đồng đội phải trải qua những ngày vô cùng gian khó, chủ yếu sinh hoạt ở trong rừng, ăn rau dại, uống nước suối. Ở trên đầu, máy bay Mỹ bay từng đợt liên tục rải xuống những cánh rừng thứ chất độc làm khô héo cỏ cây, triệt phá nơi trú ẩn của bộ đội. Không ai biết trong những hoá chất ấy có chất độc da cam/dioxin, gây ra những dị tật không thể nào cứu vãn cho thế hệ sau.

Cũng trong khoảng thời gian này, tại một trận đánh ác liệt năm 1971, ông bị thương một chân, nhưng rất may được cứu chữa kịp thời nên không để lại di chứng nguy hiểm, chỉ bị đau khi trái gió, trở trời. Sau khi an dưỡng, sức khỏe ổn định, ông xung phong trở lại đơn vị, phục vụ lâu dài trong quân đội. Sau khi giải phóng Miền Nam, ông được nghỉ phép về quê và nên duyên cùng bà Mai Thị Hợp. Ở nhà được 1 tháng thì ông lại lên đường nhận nhiệm vụ ở biên giới Hà Tuyên.

Cứ nghĩ những tháng ngày sắp tới sẽ được sống hạnh phúc bên vợ con nhưng đau thương của chiến tranh vẫn đi theo người lính trẻ. 4 lần vợ ông sinh nở thì 3 lần những đứa trẻ đều không giữ được vì bị dị tật từ trong bụng mẹ. Vợ chồng ông nuốt nước mắt vào trong mà không dám chia sẻ cùng ai. Nào ai biết, chất độc hóa học mà ông bị phơi nhiễm ở chiến trường miền Nam đã gây ra đau thương đến tận thế hệ thứ 2, thứ 3. Cũng may mắn trong 4 lần sinh nở thì có 1 người con trai sinh ra lành lặn và khỏe mạnh. Đến nay, anh đã có gia đình, có con và là một giáo viên được nhiều học sinh yêu quý. Đó cũng là niềm an ủi to lớn cho vợ chồng ông trước những mất mát, đau thương trong quá khứ.

Ông Mai Xuân Dần và vợ Mai Thị Hợp, với nửa thế kỷ gắn bó bên nhau.

 

Trải qua 2 cuộc chiến, năm 1989 trở về địa phương, ông Dần được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mỹ Bằng nhiều năm liền. Khi sức khỏe không còn được như trước, ông xin nghỉ công tác ở xã và được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn. Hiện nay, ông Dần là Trưởng Ban công tác Mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đầu Núi, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin xã.

Ở cương vị công tác của mình, ông đã vận động bà con trong thôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thôn có 195 hộ với trên 670 nhân khẩu, nhiều năm liền, thôn không có người mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, số gia đình văn hóa đạt trên 90%. Các phong trào làm đường bê tông, nhà văn hóa, đường nội đồng, đường điện thắp sáng trong thôn luôn phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình, ủng hộ cao.

Không chỉ tích cực trong các công việc tại cộng đồng, trong gia đình ông Dần cũng luôn là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Ông chia sẻ: “Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi đã ở xa đình, việc nhà đều do một tay vợ chăm lo, quán xuyến, nên khi trở về tôi tự nhủ mình cần nỗ lực, phấn đấu để bù đắp cho vợ con. Vợ chồng tôi nuôi gà, ngan, lợn sinh sản, trâu vỗ béo. Công việc tuy vất vả nhưng cho thu nhập khá cao và ổn định, trong khu chăn nuôi của gia đình có thời điểm lên tới gần 2.000 con gà thịt, từ 3 đến 4 con lợn nái sinh sản và khoảng 3 con trâu, bò nuôi vỗ béo. Dù năm nay đã 72 tuổi nhưng tôi thấy mình vẫn còn sức khỏe, đủ sức để gách vác trọng trách của một người chủ gia đình, cho vợ con có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Hàng ngày, thương binh Mai Xuân Dần vẫn chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nuôi ngan, gà thịt, lợn sinh sản.

Hơn 70 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, ông Dần vẫn chưa ngơi nghỉ. Điều mà ông luôn đau đáu là phải làm sao thực hiện tốt chính sách của Nhà nước cho đồng đội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân, hội viên. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin xã, ông đã xây dựng Quỹ tự lập được 90 triệu đồng để giúp các hội viên khó khăn sửa chữa nhà ở, mua xe lăn, thăm hỏi động viên lẫn nhau mỗi khi đau ốm. Số tiền quỹ cũng được dùng để hỗ trợ hội viên có nhu cầu phát triển kinh tế, đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên.

Ông Dần cho biết, những hộ gia đình nạn nhân khó khăn, bệnh tật ông đều thuộc lòng, bởi lẽ khi làm công việc này phải luôn nắm sát từng hoàn cảnh và cuộc sống của những gia đình nạn nhân để kịp thời có biện pháp chăm sóc, giúp đỡ. Họ cũng như ông, đã và đang trải qua những nỗi đau về cả thể xác lẫn tâm hồn. Vết thương mà chiến tranh gây ra cho đến hôm nay vẫn còn đau âm ỉ.

Ông Mai Xuân Dần đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Mỹ Bằng đến thăm hỏi, động viên gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã hiện có 45 hội viên, được Huyện hội đánh giá là đây là một trong những tổ chức hội hoạt động thiết thực, là chỗ dựa tinh thần cho các cựu chiến binh nhiễm chất độc hóa học. Ông Trần Hồng Thắng, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã xúc động chia sẻ: “Đầu năm nay tôi bị tai biến, sức khỏe yếu đi nhiều, các con đều lập gia đình ở nơi khác nên trong nhà chỉ có 2 vợ chồng ở với nhau. May mà trong lúc ấy có ông Dần cùng các anh em trong hội thường xuyên đến thăm, động viên và chia sẻ nên giờ tôi đã khỏe hơn, có thể ngồi dậy, đi lại và hoạt động nhẹ nhàng không còn phụ thuộc phải có người chăm như trước. Những nạn nhân da cam như tôi nhờ có người như ông Dần luôn sâu sát, đồng cảm đã có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống".

Với những việc làm giàu lòng nhân ái, đầy trách nhiệm, nghĩa tình, thương binh Mai Xuân Dần đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người dân địa phương, đặc biệt là những nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn. Ông xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên cho thế hệ hôm nay học tập và noi theo.