Châu Á - châu Đại dương
Bộ Y tế Israel ngày 19-8 thông báo đã phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm chủng AY3 của biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2. AY3 là một trong những chủng đột biến mới của biến chủng Delta được phát hiện trước đó, được cho là nguy hiểm hơn các chủng khác. Thông báo từ Bộ Y tế Israel đưa tin, trước việc phát hiện chủng AY3 của biến chủng Delta, Bộ này đã thông báo Quốc hội về tính nguy hiểm của chủng vi rút mới và khuyến nghị khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ 4 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Israel cho biết những người trên 40 tuổi và giáo viên sẽ đủ điều kiện tiêm liều vắc xin Pfizer/BioNTech thứ ba, mở rộng chiến dịch tăng cường để chống lại biến chủng Delta. Theo Reuters, Israel bắt đầu tiêm liều thứ ba cho những người trên 60 tuổi vào tháng 7, sau đó giảm độ tuổi tối thiểu đủ điều kiện xuống 50 và cung cấp thuốc tăng cường cho các nhân viên y tế và những người khác.
Số ca nhập viện vì Covid-19 ở độ tuổi dưới 50 đang gia tăng ở Mỹ.
Thận trọng trước thông tin số trẻ em nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ tăng cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng ở những người chưa tiêm chủng, một số bang của Ấn Độ đang gấp rút bổ sung giường bệnh nhi và bình oxy y tế do lo ngại trẻ em trở lại trường học mà không được tiêm phòng sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt lây nhiễm thứ 3. Hiện Ấn Độ chỉ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 19-8 cho biết nhiều khả năng Singapore sẽ khởi động chiến dịch tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 bổ sung trong thời gian tới và có thể sẽ tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022. Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore (MOH) thông báo sẽ triển khai thí điểm việc áp dụng cách ly tại nhà đối với những bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đây là "bước đi quan trọng" trong lộ trình hướng tới việc sống chung với "bệnh đặc hữu Covid-19" (hàm ý rằng đại dịch Covid-19 cuối cùng sẽ trở thành bệnh thông thường như cúm, sốt xuất huyết...).
Ngày 19-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hối thúc Indonesia hành động nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch sau khi dữ liệu mới cho thấy hoạt động đi lại trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí đã phục hồi về mức trước đại dịch tại một số khu vực trọng điểm.
Tại Campuchia, chính quyền thành phố Phnom Penh đang xem xét kéo dài lệnh giới nghiêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch, đặc biệt là biến chủng Delta sau khi phát hiện một loạt ca lây nhiễm biến chủng này trong cộng đồng.
Tại Lào, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong nước và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, chính phủ Lào đã gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 20-8. Đây là lần thứ 8 Lào gia hạn lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 22-4 vừa qua. Thông báo quyết định trên, chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát người xuất nhập cảnh, ngăn chặn vượt biên trái phép.
Tương tự, Australia đã tạm chuyển các chuyến bay xuất phát từ New Zealand đến Australia từ trạng thái "vùng xanh" không phải cách ly bắt buộc, sang "vùng đỏ" phải cách ly bắt buộc 14 ngày, trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại tại cả hai quốc gia. Theo thông báo mới, mọi du khách từ New Zealand đến Australia đều sẽ phải thực hiện quy định cách ly tập trung tại khách sạn 14 ngày.
Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 19-8 cho biết hơn 1/10 số ca nhiễm mới Covid-19 trong 2 tuần qua là người nước ngoài sinh sống ở nước này. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc sửa đổi các tiêu chí để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì dịch với hy vọng dỡ bỏ trước thời hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ 4.
Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX) do Liên hợp quốc hậu thuẫn vừa phân bổ 3 triệu liều vắc xin do công ty dược phẩm Sinovac Biotech Ltd. của Trung Quốc sản xuất cho Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn về khả năng Triều Tiên sẽ tiếp nhận những liều vắc xin viện trợ này. Cơ chế COVAX yêu cầu tất cả những quốc gia nhận vắc xin chấp nhận cơ chế giám sát việc tiêm chủng có được thực hiện đúng cách không, song Triều Tiên đã không chấp nhận. Trong khi đó, Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19-8 thông báo đã thông qua việc miễn trừ trừng phạt cho một dự án của Đức cung cấp cho Triều Tiên các thiết bị y tế ngăn ngừa Covid-19. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong vòng 9 tháng, tới ngày 23-4-2022.
Châu Mỹ
Theo hãng tin CNN ngày 19-8, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, số ca nhập viện của người nhiễm Covid-19 đang gia tăng trên khắp nước Mỹ, với tỷ lệ trẻ em và người lớn dưới 50 tuổi đạt mức cao nhất. Theo đó, nhóm tuổi dưới 50 đều đã vượt qua kỷ lục nhập viện trước đó, được ghi nhận hồi tháng 1. Hiện Mỹ đang đương đầu với làn sóng dịch bệnh mới với số ca mắc và nhập viện tăng nhanh chóng. Theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận trung bình hơn 137.500 ca mắc mới mỗi ngày trong tuần qua, cao gấp 11 lần so với 2 tháng trước khi mọi số liệu dịch bệnh đều giảm xuống mức thấp nhất trong năm.
Hãng tin CNN đã đăng phân tích mới chỉ ra phần lớn người dân Mỹ sinh sống tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong đặc biệt cao hơn tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Giám đốc CDC (Mỹ) Rochelle Wallensky cho biết số lượng bệnh nhân tử vong trung bình tại nước này là 500 ca/ngày, phản ánh nguy cơ tử vong đã được ngăn chặn đáng kể.
Châu Âu
Việc gia tăng các ca nhập viện vì vi rút SARS-CoV-2 ở Bỉ khiến giới chức nước này lo ngại về một đợt bùng phát dịch mới vào đầu tháng 9 khi kỳ nghỉ hè kết thúc, học sinh quay trở lại trường học và người dân trở lại công sở.
Bên cạnh số ca mắc mới đang gia tăng, sự tăng trở lại các ca nhập viện và chăm sóc đặc biệt là điều đáng lo ngại. Riêng thủ đô Brussels, trong thời gian từ ngày 10 đến 16-8, mỗi ngày ghi nhận trung bình 14,9 trường hợp nhập viện, tăng 20% so với bảy ngày trước đó khi việc tiêm chủng (hai liều) tiếp cận 60% dân số trưởng thành. Theo chuyên gia Jean-Christophe Renauld, thuộc Đại học công giáo Louvain (UCLouvain), ít nhất hai yếu tố giải thích sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh trong mùa hè. Lý do thứ nhất là việc dỡ bỏ các hạn chế và giảm sự tuân thủ các biện pháp giãn cách. Lý do thứ hai là việc người dân trở lại sau kỳ nghỉ. Theo các xét nghiệm thực hiện sau kỳ nghỉ, những người trở về từ Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ, có tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao.
Gửi phản hồi
In bài viết