Mọi diễn biến tại Afghanistan - quốc gia nhiều thập kỷ là “vùng đệm” trong các tranh chấp địa chính trị Đông - Tây luôn nhận được sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế trong đó có những quan ngại nhất định.
Lo lắng hơn cả lúc này là các nước láng giềng của Afghanistan. Phía Đông Nam, Pakistan không chỉ đang gồng mình ứng phó làn sóng người tị nạn từ Afghanistan tìm cách vượt qua cửa khẩu Chaman, mà còn tỏ ra lo ngại trước chiến thắng của Taliban. Thực tế này có thể khiến lực lượng Taliban ở Pakistan hoạt động mạnh hơn, dẫn tới nguy cơ bất ổn về an ninh. Ở phía Tây, Iran bên cạnh việc kiềm chế làn sóng tị nạn, còn đang phải tính toán phương án hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra với nhóm người Hazaras trên lãnh thổ của mình, bởi đây cũng là sắc tộc lớn thứ ba tại Afghanistan thường xung đột với Taliban. Xa hơn, Ấn Độ, Trung Quốc đều đang thận trọng theo dõi từng diễn biến ở Afghanistan...
Tuy nhiên, những quan ngại trước mắt không dập tắt được kỳ vọng về một tương lai sáng sủa hơn cho Afghanistan. Điều này thể hiện rõ nét qua việc quốc tế không tỏ thái độ “bế quan tỏa cảng” với quốc gia Nam Á này sau những biến động chính trị. Liên hợp quốc tuy sơ tán nhân viên để tránh thương vong, nhưng khẳng định luôn cam kết hỗ trợ người dân Afghanistan một cách tốt nhất. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) và Anh tuy kín tiếng trước câu hỏi về sự ủng hộ đối với chính quyền Taliban, nhưng tuyên bố sẵn sàng đàm phán và sẽ có hỗ trợ cần thiết cho người dân Afghanistan. Trung Quốc, Nga vẫn duy trì hoạt động Đại sứ quán tại thủ đô Kabul (Afghanistan), trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, Đại sứ quán nước này sẽ hoạt động trở lại ngay khi tình hình cho phép. Qua các phát ngôn, dư luận quốc tế nhìn chung đều mong muốn Afghanistan sớm có được tương lai tươi sáng và yên bình hơn, nhấn mạnh chính quyền mới tại Kabul phải có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Theo giới quan sát, mọi nỗ lực hỗ trợ Afghanistan sẽ phải vượt qua một rào cản trước mắt, đó là việc công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban trên trường quốc tế. Theo truyền thông Mỹ, Washington hiện vẫn để ngỏ khả năng công nhận chính quyền Taliban. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cho biết, Mátxcơva không vội công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp ở Afghanistan và kêu gọi thành lập chính phủ có đầy đủ thành phần. Các nhà quan sát cho rằng, các nước đang cân nhắc xem khả năng kiểm soát tình hình của Taliban, cũng như việc chính quyền mới này có thể bảo đảm an ninh, hòa bình cho khu vực hay không, trước khi có những bước đi tiếp theo.
Dù thế nào, người dân Afghanistan có quyền đón nhận tương lai hội nhập và phát triển để hiện thực hóa những ước vọng. Điều này giờ đây phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của Taliban. Người phát ngôn Văn phòng chính trị của Taliban Mohammad Naeem từng khẳng định, phong trào này không mong muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng có thể thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết