Nghề trồng hoa vốn khởi nguyên không phải xuất phát từ đây, nhưng sau hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển, các thế hệ cư dân Đà Lạt đã biến vùng đại ngàn sơn cước ở Nam Tây Nguyên thành “vương quốc hoa” của cả nước.
Đà Lạt - thành phố hoa.
1. Năm 1893, nhà bác học A.Yersin phát hiện ra Đà Lạt và những năm kế tiếp, người Pháp bắt tay xây dựng nơi này thành đô thị nghỉ dưỡng. Ngay từ buổi đầu lập phố, năm 1898, một trạm nông nghiệp đã được thiết lập ở vùng Đăng Kia do kỹ sư người Pháp M.Jacquet quản lý, bắt đầu tiến hành nghiên cứu và thực nghiệm các loài cây trồng, trong đó có nhiều giống hoa. Báo cáo ngày 15-12-1901 của kỹ sư A.D’André, Trạm trưởng Trạm Nông nghiệp Lang Bian nêu: “Nói chung, có thể nói hoa ở Pháp và các vùng ôn đới rất thích hợp trên Lang Bian. Hoa phát triển tối đa và rực rỡ. Hầu hết các giống hoa đều cho hạt tốt đã được thu hái và giữ làm giống”. Theo tạp chí Indochina số 28 năm 1941, “Đà Lạt cung cấp cho Sài Gòn và các nơi 90 tấn hoa mỗi năm”...
Để đô thị cao nguyên trở thành xứ sở của hoa, phải nhắc đến công lao của những nông phu đến từ xứ Bắc. Năm 1938, 33 nông dân từ các làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, Vạn Phúc, Tây Tựu... thuộc tỉnh Hà Đông (cũ) được đưa vào Đà Lạt, mang theo nghề trồng hoa truyền thống của quê hương mình. Tiếp đó, những lưu dân xa xứ từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... cũng vào đây lập ấp trồng rau, trồng hoa để cung cấp cho cư dân Đà Lạt - chủ yếu là những công chức, quan lại trong bộ máy cai trị của thực dân - phong kiến. Những ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Thái Phiên, Đa Thành, Đa Thiện, Trại Hầm ra đời từ đó.
2. Kể từ khi hình thành, đô thị đặc biệt này giống như một thiếu nữ được một chàng trai lực lưỡng là những dãy núi của cao nguyên Lang Bian ôm ấp vào lòng. Và đến lượt mình, Đà Lạt lại cưu mang các loài hoa lá. Đến nơi này, du khách ngỡ như lạc vào thế giới ngàn hoa.
Bên cạnh những loài hoa được bàn tay con người chăm trồng trong các công viên, công sở đến hoa trang trí trong vườn nhà cư dân, Đà Lạt còn có nhiều loài hoa dại cứ tự nhiên chào đời, tự nhiên sinh trưởng và sống đời hoang dã. Chúng mọc bên vệ đường, dưới những tán rừng, bám vào vách đá trên sườn đồi hay tường nhà, bờ rào, lặng lẽ điểm tô cho bức tranh xanh của thành phố hoa. Đó là tặng vật mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho người Đà Lạt.
Hoa, thiên nhiên và bầu không khí mù sương huyền ảo như những sợi dây vô hình níu chân người Đà Lạt, vốn là những lưu dân đến từ nhiều vùng đất khác nhau, ở lại mãi với đô thị cao nguyên bình yên này. Một trong những thú vui đặc biệt của người Đà Lạt là tự tay trồng loài hoa mà họ yêu quý để làm đẹp hơn không gian sống của mình. Ý thức này được nuôi dưỡng bền bỉ như một thói quen phổ biến đối với mọi người. Bắt nguồn từ tập quán đầy tố chất nhân văn đó, hơn một trăm năm qua, nhiều thế hệ người dân Đà Lạt đã cần mẫn chăm sóc thảo viên bách sắc, thiên hương để cống hiến những phút giây mỹ cảm cho người yêu hoa đến từ mọi miền. Từ nghề chơi quý tộc buổi đầu, trải qua quãng thời gian gần chín thập niên sau, nghề trồng hoa Đà Lạt đã vươn mình trở thành đỉnh cao của cả nước về diện tích, phẩm cấp cũng như sự đa dạng các chủng loại hoa cao cấp.
3. Năm tháng qua đi, hoa và nghề hoa Đà Lạt cũng chuyển mình theo hành trình lịch sử đất nước.
Từ những gánh hàng hoa đơn lẻ theo bước chân nông phu ngày xưa rảo theo những triền dốc vắng, những góc phố nghèo, nay Đà Lạt đã có một nền sản xuất hoa bề thế, một trung tâm hoa thương phẩm có quy mô lớn và hiện đại nhất nước. Hoa Đà Lạt đã có mặt ở hầu hết mọi vùng miền trong cả nước và vượt đại dương đến với bè bạn muôn phương.
Thành phố cao nguyên đến nay đã có một nền sản xuất hoa bề thế hàng đầu cả nước, cả về quy mô lẫn công nghệ. Nhiều nhà vườn ngày xưa trồng hoa để chơi cho thỏa chí thì nay đã trở thành những chủ trang trại sản xuất hoa cao cấp, những triệu phú, tỷ phú nhờ nghề trồng hoa. Cả thành phố trở thành một vườn hoa khổng lồ. Với công nghệ sản xuất hoa trong nhà kính, nhà lưới, đêm về cả góc trời cao nguyên lung linh huyền ảo. Hoa nhà vườn và hoa công nghệ cao Đà Lạt xuất hiện trong các siêu thị cao cấp, trên các chợ toàn quốc, toàn cầu.
Đặc biệt, ở Đà Lạt nổi lên danh tiếng của Công ty Dalat Hasfam - một công ty sản xuất những chủng loại hoa đẳng cấp cao, có mặt ở hầu hết các thị trường thế giới mà thường xuyên nhất là Nhật Bản, Hồng Kông, Anh, Australia, Thái Lan... Bên cạnh đó là các công ty như Rừng Hoa, Nông Ích, Lâm Thăng, Ponifarm; trang trại của các ông Trần Huy Đường, Chế Quang Đệ, Phan Thanh Sang, Nguyễn Xuân Trường... cũng đang khẳng định chỗ đứng và thương hiệu của mình. Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ngày xưa chỉ biết treo mấy giò lan rừng cho vui góc nhà sàn, nay đã trở thành những hộ nông dân sản xuất giỏi, giàu có từ nghề trồng hoa theo hướng công nghệ cao như Cil Zên, Ya Út, K’long Char... Hoa cùng với các sản phẩm khác như rau, cà phê và du lịch canh nông đã trở thành 4 sản phẩm chủ lực đang được tỉnh Lâm Đồng với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) xây dựng chuỗi thương hiệu quốc tế mang tên “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”...
4. Từ thuở đầu khai sơn lập phố, người Pháp đã chiết tự Latinh từ địa danh “Đà Lạt” thành một câu khái quát thật ý nghĩa: “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” (cho người này niềm vui, cho người kia sức khỏe). Hơn một thế kỷ đã qua đối với thành phố nổi tiếng trên cao nguyên Lâm Viên, danh xưng ấy vẫn còn nguyên giá trị. Hoa Đà Lạt đã trở thành giá trị thiêng liêng giữa đất trời xứ sở. Hoa Đà Lạt trở thành biểu tượng, đã nên thơ, hóa nhạc, nuôi cảm hứng của người yêu hoa qua nhiều thế hệ. Chế ngự trong cảm xúc, những loài hoa cất tiếng nói thay trạng huống tâm hồn. Hoa càng rực rỡ hơn trong một khung cảnh thơ mộng, một bầu khí hậu trong lành, mát mẻ hòa quyện với một tổng thể kiến trúc đô thị kiêu sang gần gũi với tự nhiên. Và hoa Đà Lạt vẫn mãi mãi là những chủ nhân thanh lịch, mến khách và cũng là những sứ giả vượt đại dương đi tìm bạn ở khắp bốn phương trời, góp hương sắc của mình về làm giàu cho quê hương cao nguyên.
Sản xuất, kinh doanh hoa, chăm hoa, chơi hoa, thưởng lãm hoa đã trở thành một yếu tố văn hóa, và văn hóa ấy ở Đà Lạt đã hình thành từ rất lâu và rất tự nhiên. Chính lẽ đó, xuất phát từ ý tưởng Lễ hội sắc hoa năm 2004, Chính phủ đã công nhận Đà Lạt là “Thành phố Festival hoa”. Bảy kỳ Festival hoa đã được tổ chức với nhiều nội dung phong phú và quy mô hoành tráng. Mỗi dịp Festival là một cuộc trình diễn “nền văn hóa hoa” của thành phố cao nguyên. Tất cả những gì nói về hoa trong Festival đã chuyển tải thông điệp về niềm tự hào, những giá trị độc đáo của đô thị gần gũi với thiên nhiên, về nét tính cách hiền hòa, thanh lịch của con người xứ sở và một vùng hoa có lịch sử lâu đời, nền sản xuất hoa bề thế, công nghệ cao trên cao nguyên Lâm Viên.
Hoa lá được tôn vinh, con người của xứ sở tốt tươi này cũng đã và đang được tôn vinh. Festival hoa Đà Lạt cũng là dịp để chính quyền Lâm Đồng tiếp tục quảng bá hình ảnh con người và thiên nhiên thành phố ngàn hoa với đông đảo du khách trong và ngoài nước...
Gửi phản hồi
In bài viết