Rác thải nhựa gia tăng là thách thức của thế giới cũng như khu vực ASEAN phải đối mặt trong thời điểm
giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Theo thống kê, lượng rác nhựa thải ra ngoài đại dương đã đến mức báo động 100 triệu tấn, trong đó có 80-90% nguồn phát thải là ở đất liền. Vấn đề này thực sự nghiêm trọng hơn ở ASEAN, khi lượng nhập khẩu rác nhựa từ các nước phát triển vào khu vực tăng mạnh, nhất là sau khi nước láng giềng Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chất thải vào đầu năm 2018. Theo nhóm Bảo tồn Đại dương có trụ sở tại Mỹ, Đông Nam Á từ lâu đã là nguồn khởi phát lớn cho tình trạng ô nhiễm đại dương trên thế giới và nay bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến rác thải nhựa trong khu vực tăng vọt. Chỉ riêng tại 6/10 quốc gia thành viên ASEAN, hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa đã được tạo ra trong một năm.
Rác thải nhựa đang là thách thức lớn đối với tình trạng ô nhiễm đại dương, bờ biển, sông ngòi và các tuyến đường thủy nội địa khác, đồng thời ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Hải dương học - Viện Khoa học Indonesia (LIPI), mỗi năm có khoảng từ 300 nghìn tấn đến 500 nghìn tấn rác nhựa thải ra biển của quốc gia này. Sự gia tăng đột ngột về chất nhựa dẻo sử dụng một lần trong đại dịch Covid-19 cũng gây thêm áp lực cho các quốc gia đang cố gắng giải quyết thách thức này.
Dịch Covid-19 là cơ hội cho trào lưu đặt đồ ăn trực tuyến phát triển, nhưng cũng đặt ra hệ lụy lớn là gia tăng chóng mặt rác thải nhựa. Năm 2020, Thái Lan bắt đầu có lệnh cấm sử dụng túi ni lông dùng một lần. Hầu hết những người yêu môi trường đều hy vọng lệnh cấm sẽ giúp đưa đất nước này ra khỏi danh sách 5 nước hàng đầu có đại dương ô nhiễm bởi rác thải nhựa. Nhưng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trường học phải đóng cửa và mọi người phải ở nhà thì lượng rác thải nhựa tại thủ đô Bangkok đã tăng tới mức khó kiểm soát. Nguyên nhân là bởi nhiều người lựa chọn thực phẩm và hàng hóa giao đến nhà, những vật dụng được gói trong rất nhiều bao bì nhựa.
Tiến sĩ Selva Ramachandran, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Philippines cho biết, rác thải nhựa đại dương gây ra các chi phí lớn về môi trường, kinh tế và xã hội cho Philippines. Trong bối cảnh đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng dân số diễn ra nhanh chóng, cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, rác thải nhựa ước tính sẽ tiếp tục gia tăng và gây ra nhiều thách thức đối với Philippines.
Trước tình hình này, ASEAN đã khởi động Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển ở khu vực ASEAN và Khuôn khổ hành động ASEAN về rác thải biển, với 14 hành động khu vực dựa trên 4 trụ cột gồm: Hỗ trợ chính sách và lập kế hoạch; nghiên cứu, đổi mới và nâng cao năng lực; nhận thức, giáo dục và tiếp cận cộng đồng; huy động sự tham gia của khu vực tư nhân. Kế hoạch hành động này sẽ được thực hiện trong 5 năm tới, mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia thành viên.
Có thể nói, Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa đại dương là dấu mốc quan trọng, thể hiện một cam kết tập thể mới, mạnh mẽ của ASEAN nhằm giải quyết thách thức về môi trường đang diễn ra tại khu vực cũng như trên toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết