Air France (Pháp) là một trong số các hãng hàng không chịu ảnh hưởng bởi quyết định của Nga.
Những ngày qua, các nước phương Tây đã gây áp lực chưa từng có lên Chính phủ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, sau vụ việc nước này buộc một máy bay của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) đang trên hành trình từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius (Litva) chuyển hướng và hạ cánh tại thủ đô Minsk để kiểm tra an ninh. EU là bên đưa ra phản ứng gay gắt nhất bởi điểm khởi hành và điểm đến của chuyến bay là những quốc gia thành viên của khối này.
Một trong số những động thái mạnh mẽ mà EU đưa ra là cấm toàn bộ các hãng hàng không Belarus sử dụng không phận và sân bay của 27 quốc gia thành viên. Liên minh này cũng ban hành lệnh cấm bay và yêu cầu các hãng hàng không EU tránh bay qua không phận Belarus. Quyết định của EU bị Belarus lên án gay gắt và cũng khiến các hãng hàng không bối rối. Những ngày qua, Hãng hàng không quốc gia Belarus là Belavia đã phải thông báo hủy các chuyến bay tới 8 quốc gia châu Âu từ ngày 27-5 đến 30-10.
Trước diễn biến này, ngày 26-5, Nga đã không cho phép máy bay của Hãng hàng không Air France (Pháp) hạ cánh vì không bay qua không phận Belarus. Hãng này cũng đã phải hủy thêm 1 chuyến bay khác từ Paris (Pháp) tới Mátxcơva trong ngày 28-5. Trong khi đó, Hãng hàng không Austrian Airlines (Áo) đã hủy một chuyến bay được lên kế hoạch từ Vienna (Áo) tới Mátxcơva trong ngày 27-5, do đường bay đã được thay đổi để tránh bay qua không phận Belarus. Thông báo của hãng hàng không này nêu rõ, việc thay đổi tuyến đường bay phải được chính quyền cho phép, và Austrian Airlines phải hủy chuyến bay trên do không được giới chức Nga chấp thuận.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, hành động của Nga là nhằm bảo đảm an toàn hàng không và giới chức nước này sẽ đưa ra những lời giải thích cần thiết về lý do kỹ thuật. Tuy nhiên, bước đi này không mang lại tác động tích cực cho mối quan hệ Nga - EU, vốn đã nguội lạnh và đang tiếp tục đà xuống dốc, nhất là sau một loạt hành động “ăn miếng trả miếng” trong thời gian dài như cấm nhập cảnh quan chức của nhau, trục xuất nhân viên ngoại giao...
Nghị viện châu Âu (EP) thậm chí đã ra nghị quyết tuyên bố Nga không còn là một đối tác chiến lược của EU, trong khi Mátxcơva khẳng định lập trường cứng rắn là sẵn sàng cắt đứt quan hệ nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Belarus và phương Tây leo thang, Tổng thống A.Lukashenko đã đáp chuyến bay tới thành phố Sochi (Nga) để gặp người đồng cấp Vladimir Putin vào ngày 28-5. Ông chỉ trích hành động của châu Âu bởi hãng hàng không quốc gia Belavia không hề liên quan đến vụ việc. Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov cho biết, Chính phủ Nga tin tưởng lý do chính đáng của giới chức Belarus. Tổng thống V.Putin cũng bày tỏ sự đoàn kết với Minsk trong vụ việc này và ca ngợi mối quan hệ bền chặt với quốc gia láng giềng.
Trước nghi vấn cho rằng động thái trước đó của Nga là nhằm ủng hộ Belarus, Người phát ngôn D.Peskov chỉ bình luận, chính quyền Tổng thống V.Putin không chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát không lưu, mà đây là câu hỏi dành cho các cơ quan hàng không Nga. Hiện, Nga đã chấp thuận lịch bay mới của Air France, trong đó các chuyến bay nối giữa Paris và Mátxcơva sẽ không đi qua không phận Belarus. Tuy nhiên, sự gián đoạn trong thời gian qua đã phần nào tạo ra tâm lý e ngại và cũng gây tác động không nhỏ đến giao thông hàng không.
Gửi phản hồi
In bài viết