Tuy nhiên điều này cũng gây áp lực không nhỏ tới cơ sở hạ tầng và có nguy cơ ảnh hưởng tới không gian bảo tồn di sản. Để khắc phục tình trạng này, mới đây Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã xây dựng kế hoạch quản lý cho Khu phố cổ Dubrovnik.
Dubrovnik đang gặp nhiều vấn đề liên quan tới quá tải cơ sở hạ tầng du lịch.
Với vẻ đẹp cổ kính được bảo tồn gần như nguyên vẹn qua nhiều thế kỷ, năm 1979, Khu phố cổ Dubrovnik đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây được xem như một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc kết hợp giữa phòng thủ và giao thương ven biển của các quốc gia vùng Địa Trung Hải bắt đầu từ thế kỷ VII.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, song đến với Dubrovnik khách tham quan vẫn cảm thấy thời gian như dừng lại ở thời Trung cổ khi chiêm ngưỡng những pháo đài sừng sững, bức tường thành kéo dài bao bọc các con phố tuyệt đẹp cùng những công trình theo phong cách Gothic, Phục hưng và Baroque. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch tới Dubrovnik lên tới khoảng 1,4 triệu lượt vào năm 2019. Điều này mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương và giúp người dân cải thiện đời sống thông qua kinh doanh các sản phẩm dịch vụ, nhà hàng, khách sạn.
Tuy nhiên, sự bùng nổ lượng khách du lịch cũng mang đến không ít bất cập. Báo cáo của UNESCO năm 2015 đã nêu, những vấn đề phát sinh từ sự phát triển quá mức của du lịch và các dịch vụ liên quan, ví dụ như hạ tầng giao thông quá tải, không gian công cộng và hành lang xanh bị thu hẹp..., đã làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và đe dọa giá trị phổ quát nổi bật của không gian di sản.
Với mục đích điều chỉnh hài hòa giữa phát triển du lịch, phát huy giá trị di sản với bảo tồn di tích, mới đây UNESCO đã xây dựng Kế hoạch quản lý di sản Khu phố cổ Dubrovnik. Đây là một cách tiếp cận tổng hợp mà thông qua đó, việc bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa được kết hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo tính bền vững. Điểm đáng chú ý là bên cạnh những yêu cầu về bảo tồn di tích theo quy định, đảm bảo vùng đệm cho không gian di sản, kế hoạch còn bao gồm cả chương trình hành động nhằm ứng phó với thiên tai, quản lý giao thông và giới hạn lượng khách du lịch.
Cuối tháng 8 vừa qua, bản kế hoạch này đã được giao cho Viện Tái thiết Dubrovnik để triển khai. Thị trưởng thành phố Mato Frankovic cho biết, trong thời gian tới sẽ tổ chức triển lãm, giới thiệu các bước tiến hành Kế hoạch quản lý di sản Khu phố cổ Dubrovnik, đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân liên quan tới vấn đề này.
Trên thực tế, ngay từ khi đảm nhiệm cương vị Thị trưởng, ông Mato Frankovic đã triển khai nhiều biện pháp để giảm bớt tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng du lịch. Thông qua dự án có tên “Tôn trọng thành phố”, chính quyền đã giảm 80% số lượng quầy hàng lưu niệm và giảm 30% số lượng bàn ghế nhà hàng. Các công trình xây dựng làm ảnh hưởng tới không gian di sản sẽ bị dỡ bỏ. Trong thời gian tới, để điều tiết lượng khách du lịch tới thành phố, ông Mato Frankovic sẽ liên hệ với Hiệp hội quốc tế các hãng tàu du lịch (CLIA) để sắp xếp lại lịch trình của các chuyến tàu tới Dubrovnik.
Theo khuyến nghị của UNESCO, bến cảng chỉ nên tiếp nhận 2 tàu du lịch trong cùng một thời điểm. Số lượng khách tối đa vào khu vực trung tâm di sản chỉ duy trì ở mức 6.000 người. Do Dubrovnik là điểm dừng chân nổi tiếng cho các chuyến du ngoạn trên biển, hằng năm số lượng khách đi tàu biển tới tham quan lên tới hơn 1 triệu lượt. Vào mùa du lịch, có thời điểm ước tính có hơn 10 nghìn du khách trong trung tâm lịch sử thành phố cùng một lúc. Để quản lý lưu lượng du khách vào trung tâm khu phố cổ, các camera có gắn thiết bị đếm sẽ được lắp đặt tại khu vực này. Cư dân Dubrovnik vẫn được ra vào tự do với một tấm thẻ đặc biệt.
Theo ông Mato Frankovic, một số biện pháp mà chính quyền thành phố sắp triển khai có thể sẽ vấp phải phản ứng của người dân do ảnh hưởng tới thu nhập và sinh kế của họ, tuy nhiên, nhiệm vụ của ông là phải đặt lợi ích chung lên hàng đầu. “Tất cả những gì chúng tôi đã và sẽ làm trong tương lai góp phần to lớn vào việc tạo ra trải nghiệm điểm đến độc đáo và tăng chất lượng dịch vụ tổng thể cho tất cả du khách. Chúng ta nên hiểu rằng, phát triển một cách bền vững mới mang lại lợi ích lâu dài. Sự hợp tác của người dân đóng vai trò rất quan trọng vào thành công của dự án. Trong thời gian tới, thành phố sẽ có những chương trình tuyên truyền để đạt được sự thống nhất giữa chính quyền và người dân. Đừng để Dubrovnik trở thành nạn nhân do chính vẻ đẹp của mình” - ông Mato Frankovic nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết