Cột cờ Phai Vệ
Tọa lạc trên đỉnh núi Phai Vệ (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) cao 80m, cột cờ Phai Vệ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Đây từng là nơi trú ẩn của bộ đội ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và là nơi phát hiện 2 di chỉ có niên đại từ 10.000 đến 5.000 năm là hang Phai Vệ 1, hang Phai Vệ 2.
Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng là địa danh nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ải kéo dài 20km, từ thị trấn Chi Lăng đến xã Mai Sao (huyện Chi Lăng), nơi có dòng sông Thương chảy qua, lại được bao bọc bởi những dãy núi hiểm trở như Cai Kinh, Thái Họa... Với vị trí hiểm yếu, ải Chi Lăng từng là “bức tường thành” che chắn cho kinh thành Thăng Long xưa khỏi quân xâm lược phương Bắc. Năm 1962, Khu di tích lịch sử Chi Lăng được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 2020 được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Thành nhà Mạc
Là một công trình kiến trúc quân sự được Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI, thành nhà Mạc (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) nằm ở vị trí hiểm trở, giữa 3 ngọn núi cao với mục đích chống lại vua Lê - chúa Trịnh. Hiện nay, thành chỉ còn hai đoạn tường dài 300m nhưng đủ cho thấy kiến trúc đặc trưng của thời kỳ này. Năm 1962, Khu di tích danh thắng Tam Thanh (sau là Nhị - Tam Thanh, gồm thành nhà Mạc, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị) được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Núi Tô Thị
Núi Tô Thị (núi Vọng Phu) nằm ở phường Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn). Trên đỉnh núi có một pho tượng đá tự nhiên gắn với truyền thuyết nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đi đánh giặc. Pho tượng này đã trở thành biểu tượng cho sự chung thủy, sắt son của phụ nữ Việt Nam.
Chùa - động Tam Thanh
Quần thể chùa - động Tam Thanh là điểm du lịch nổi tiếng của Lạng Sơn, gồm 1 ngôi chùa và 3 hang động, trong đó, lớn nhất và đẹp nhất là động Tam Thanh. Bên trong động là những khối thạch nhũ với nhiều hình thù sinh động cùng hồ Âm Ty quanh năm nước xanh trong vắt.
Chùa Tam Thanh mang những giá trị văn hóa đặc sắc, gồm nhiều văn bia và tượng thờ; đặc biệt là pho tượng Phật A Di Đà được tạc nổi trên vách đá theo phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạc (thế kỷ XVI - XVII).
Gửi phản hồi
In bài viết