Hiện toàn tỉnh có trên 1.453 tổ vay vốn với tổng dư nợ cho vay qua tổ chức hội là 2.677 tỷ đồng cho 33.848 hội viên được vay vốn. Cho vay hộ sản xuất được xem là một hướng đi thành công, tạo dấu ấn, bản sắc của Agribank. Trên địa bàn tỉnh, Agribank Tuyên Quang là ngân hàng chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc phát triển mở rộng hình thức cho vay qua tổ vay vốn là một định hướng của Agribank Tuyên Quang. Thực tế tổ vay vốn rất phù hợp với địa bàn nông thôn của tỉnh, bởi tại đây có các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động mạnh mẽ, uy tín, giúp ngân hàng tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp. Đồng thời, cùng phối hợp tuyên truyền và triển khai các hoạt động cho vay, quảng bá thương hiệu Agribank.
Người dân thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) được vay vốn từ Agribank đầu tư chăn nuôi bò.
Thông qua nguồn tín dụng này, người dân ở vùng sâu, vùng xa có vốn phát triển sản xuất. Các thành viên trong nhóm luôn ý thức sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả trong việc giảm nghèo. Mỗi tổ trưởng trở thành “cánh tay” nối dài của ngân hàng đến người dân. Khi có gia đình nào cần vốn đầu tư sản xuất, tổ trưởng hướng dẫn làm những thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Anh Phạm Quốc Triều, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Trung Tâm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, hiện tổ có 12 thành viên với dư nợ trên 1 tỷ đồng. Hàng tháng, tổ trưởng thu toàn bộ số tiền lãi của tất cả các thành viên trong tổ rồi nộp cho ngân hàng. Cũng qua hoạt động của các tổ, người dân gửi tiền tiết kiệm, góp phần đáp ứng nguồn vốn vay cho sản xuất, kinh doanh.
Chị Bùi Thị Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cây La, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) cho biết, hiện tổ có 37 thành viên, dư nợ đạt 3,6 tỷ đồng, chủ yếu các thành viên trong tổ đầu tư trồng rừng, chăn nuôi trâu sinh sản, mua sắm vật tư nông nghiệp... Từ những ngày đầu thành lập tổ, chị Hạnh đã xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng, thường xuyên nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu vay vốn của các hộ thành viên để làm cầu nối gắn kết giữa ngân hàng với người dân. Nhờ vậy, đồng vốn của Agribank đến tay người dân đều được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả rõ rệt trong từng mô hình phát triển kinh tế, không có hộ nghèo. Đối với khách hàng gặp rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, chị Hạnh cũng thường xuyên trao đổi với Phòng Giao dịch Agribank Hòa Phú để có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn của người dân. Việc làm hồ sơ theo tổ rất thuận tiện, vì khi làm hồ sơ các thành viên thực hiện đồng loạt, ký giấy tờ lên ngân hàng duyệt, giải ngân 1 lần nhanh chóng. Hiện nay, Phòng Giao dịch Agribank Hòa Phú (Chiêm Hóa) có 40 tổ vay vốn với dư nợ cho vay qua tổ, nhóm vay vốn trên 102 tỷ đồng chiếm 74% dư nợ. Tổ trưởng là người có uy tín, gần gũi với các thành viên tổ, vì vậy có thể theo sát đôn đốc, nắm bắt nhu cầu của các thành viên trong tổ; hỗ trợ các cán bộ tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và đôn đốc trả nợ, đảm bảo tỷ lệ lãi thực thu cao, nâng cao chất lượng tín dụng. Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt huyết, được ngân hàng tập huấn và hiểu về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đã trở thành một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ hiệu quả tại các địa bàn xã.
Thời gian tới, Agribank Tuyên Quang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội để nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa 3 ngành đạt hiệu quả nhất với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay qua tổ nhóm đạt trên 50%/tổng dư nợ theo kế hoạch; phấn đấu 100% các khoản vay đến 200 triệu đồng phải thông qua tổ vay vốn...
Gửi phản hồi
In bài viết