Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Trước đó, ngày 31-7-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị tài liệu công phu, nghiêm túc phục vụ cuộc họp. Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp sôi nổi, trách nhiệm, đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể về dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu các ý kiến xác đáng, bám sát nội dung và phạm vi Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện dự thảo Tờ trình, báo cáo về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó lưu ý các nội dung sau:
Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững, hài hòa giữa văn hóa, an sinh xã hội và môi trường; bảo đảm bám sát, cụ thể chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết Đại hội biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 10-KL/TW ngày 13-7-2021 của Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XIII) và các Nghị quyết của Quốc hội về các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Rà soát kỹ, đánh giá thực chất kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó cần xác định rõ những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; bài học kinh nghiệm rút ra, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm vừa khắc phục được các hạn chế, yếu kém, vừa kế thừa, phát huy các kinh nghiệm, thành công, bài học quý của 5 năm vừa qua, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của đất nước và tận dụng các thành tựu phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
Cập nhật bối cảnh tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; trong đó cần làm rõ tình hình thế giới, trong nước đã có nhiều thay đổi từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia, khu vực và chưa xác định được thời điểm kết thúc; các đợt bùng phát trong nước đã tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh mới, để có cách tiếp cận mới và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát tình hình thực tiễn của đất nước trong 5 năm tới.
Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 phải trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; điều hành linh hoạt và phối hợp hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; huy động phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; phân cấp quản lý nguồn lực đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh hợp tác công tư, sử dụng các nguồn lực của nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước; có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần hướng tới giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, dài hạn để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, coi đây là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững; có giải pháp tận dụng hiệu quả cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển rừng, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính...
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, gửi văn bản tham gia ý kiến cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, hoàn thiện, nhất là đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thuộc ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, bảo đảm ngắn gọn, không dàn trải, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy những kinh nghiệm thành công và giải quyết những vấn đề mới phát sinh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện dự thảo Tờ trình, báo cáo về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, xin ý kiến các cơ quan Đảng, Quốc hội; trên cơ sở đó tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ và xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội theo quy định.
Gửi phản hồi
In bài viết