Sáng 27-12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) phối hợp với Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Di sản với giới trẻ”.
Đây là hoạt động thiết thực hướng tới Ngày Truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam (3-1), đồng thời kết nối chặt chẽ hơn nữa giới trẻ với tài liệu lưu trữ và di sản.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: Tài liệu lưu trữ, trong đó có di sản tư liệu bắt đầu được xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng mong muốn được tiếp cận. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao cho những người làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Những người làm công tác lưu trữ phải tự hào và vinh hạnh được giao sứ mệnh gìn giữ, phát huy đưa các tài liệu đó đến với công chúng.
Qua sự chia sẻ trao đổi của các diễn giả và khách mời trong 2 phần của buổi tọa đàm (phần 1 mang thông điệp “Vai trò của lưu trữ trong đời sống”, phần 2 mang thông điệp “Phát huy giá trị của lưu trữ”), công chúng dự tọa đàm đã được cung cấp những thông tin cơ bản về nguồn di sản tư liệu đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, những hoạt động do Trung tâm thực hiện để thu hút người trẻ đến với cơ quan lưu trữ cũng như tìm hiểu, chia sẻ giá trị của di sản tư liệu ra cộng đồng.
Các diễn giả đã chia sẻ về sự khác nhau giữa lưu trữ truyền thống và hiện đại, giải pháp để hai khía cạnh này tiệm cận gần nhau hơn; sự khác nhau giữa bảo tàng và lưu trữ. Khán giả cũng được nghe các diễn giả chia sẻ về những cách thức để truyền lửa tới đội ngũ những nhà giáo dạy môn lịch sử trong tương lai, hướng tiếp cận với di sản, những tài liệu mà các bạn trẻ có thể tìm đến...
Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trong tương lai không xa, Trung tâm sẽ là một điểm đến văn hóa và những câu chuyện xung quanh tài liệu lưu trữ sẽ rất hấp dẫn, đầy đủ, chính xác. Để xây dựng được tương lai đó phụ thuộc nhiều vào giới trẻ nhưng cũng rất cần sự trải nghiệm của những người có tuổi, càng nhiều người thì sức lan tỏa càng lớn.
“Qua buổi tọa đàm chúng tôi muốn nghe những người làm về văn hóa, bảo tàng, di sản, quản lý di tích cùng nhau chia sẻ, trao đổi để lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp ra cộng đồng”, bà Trần Thị Mai Hương nhấn mạnh.
Chia sẻ về các hoạt động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được tổ chức với những cách thức sôi nổi và đạt được nhiều hiệu ứng tích cực, bà Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục Truyền thông, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức các hoạt động thu hút người xem như triển lãm trưng bày kết hợp hình thức kể các câu chuyện để tránh sự khô khan; tổ chức tour đêm Văn Miếu... Đặc biệt chúng tôi có áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, không diễn giải lịch sử theo cách truyền thống mà trình chiếu các nội dung về lịch sử theo cách hiện đại. Qua đó, dần dần tiếp cận được sự quan tâm của các bạn trẻ".
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã lắng nghe ý kiến trao đổi của các đại diện giới trẻ, nhằm đổi mới, trẻ hóa cách thức tiếp cận di sản, đặc biệt là di sản tư liệu.
Gửi phản hồi
In bài viết