Cuộc hội ngộ đầy xúc động
Gala Nhịp cầu nhân ái mang tới cho người xem nhiều cảm xúc khi chứng kiến cuộc hội ngộ đầy xúc động giữa những nhà hảo tâm và các hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ. Cảm xúc cứ thế dồn nén qua từng câu chuyện được chia sẻ giữa người cho và người nhận, để rồi tất cả cùng vỡ òa trong hạnh phúc khi thấy yêu thương được lan tỏa.
Lãnh đạo Báo Tuyên Quang, các nhà tài trợ, nhà hảo tâm và đại diện những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tham gia chương trình Gala.
Cả khán phòng như chùng xuống khi lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động của ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Ít ai ngờ, đằng sau vẻ ngoài của một người đàn ông rắn rỏi, từng trải lại ẩn chứa bao nỗi niềm. Nhớ về một thời gian khó, người đàn ông ngoài 50 tuổi gương mặt đượm một nỗi buồn, đôi mắt rưng rưng, khóe mắt đỏ hoe: “Bản thân tôi cũng là một người nghèo. Khi bước chân ra khỏi nhà đi học đại học trong ngôi nhà lụp xụp có 4 người già, 2 người liệt nằm tại chỗ, trong hành trang chỉ có vỏn vẹn 500 đồng. 4 năm học đại học phải bươn trải vừa sống, vừa học vừa chia sẻ khó khăn với bố mẹ. Sau này, khi từng trải hơn một chút, cứ mỗi lần nhìn thấy những hoàn cảnh tương tự khó khăn đó là hình ảnh của mình những năm trước. Dù ít hay nhiều tôi đều tận dụng cơ hội để hướng tới những hoàn cảnh như vậy”.
Với tấm lòng trắc ẩn của mình, nên sau khi biết đến trường hợp của em Đoàn Thị Thu qua chuyên mục Nhịp cầu nhân ái của Báo Tuyên Quang, ông Phạm Văn Học và lãnh đạo Bệnh viện đã quyết định hỗ trợ em toàn bộ tiền học phí 6 năm học Đại học và tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Ông cũng khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ nếu em học cao hơn nữa.
Lắng nghe những chia sẻ của ông, chị Lâm Thị Hồng, thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) - mẹ của em Đoàn Thị Thu vô cùng xúc động. Chị rưng rưng nói: Nhà không có ở, phải đi ở nhờ, cơm lo từng bữa nên chị không bao giờ nghĩ con sẽ có điều kiện cho con học đại học. Chị cảm ơn bệnh viện Đa khoa Hùng Vương lắm!. Nhờ sự giúp đỡ của bệnh viện và các nhà hảo tâm, em Thu đã trở thành sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Dược Thái Bình. Những ngày này, em đang bận rộn với kỳ thi nơi giảng đường đại học nhưng đã dành thời gian viết thư cảm ơn tới chương trình Nhịp cầu nhân ái, các nhà hảo tâm: Em từng nghĩ rằng mình sẽ cất đi tờ giấy báo nhập học để cả em và mẹ không còn dằn vặt, tiếc nuối điều gì nữa. Em sẽ gác lại giấc mơ để đi làm có tiền phụ mẹ nuôi 2 em ăn học. Thế nhưng thật may mắn khi em được những tấm lá lành chở che, giúp đỡ đồng hành trên con đường đời, giúp em tiếp tục tới trường, đạt ước mơ trở thành bác sỹ.
Đặc biệt, khi được chủ quán cơm Lão Đại ở TP Tuyên Quang là anh Trần Doãn Quảng nhận hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng trong 6 năm học, Thu đã sẵn sàng nhường suất hỗ trợ đó cho 1 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn, là em Trần Quốc Việt ở Nắc Con, xã Yên Lâm (Hàm Yên). Bởi Thu hiểu rằng những gì mình nhận được là món quà may mắn của tình người ấm áp cần được san sẻ cho người khó khăn hơn mình.
Phỏng vấn anh Trần Việt Trọng, Phó Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển du lịch trải nghiệm khám phá Việt - nhân vật từng được Báo Tuyên Quang kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ cách đây 10 năm.
Lan tỏa yêu thương
San sẻ cho những người khó khăn hơn mình, đó là giá trị tốt đẹp mà những người làm từ thiện hướng đến. Chị Phạm Lê Vân, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Yên là một trong những tấm gương như vậy. Cách đây hơn 4 năm chồng chị qua đời vì cơn bạo bệnh, để lại 2 con nhỏ nhưng khát vọng làm thiện nguyện luôn mạnh mẽ trong chị. Nhớ lại những biến cố gia đình, chị không kìm được những giọt nước mắt, nghẹn ngào chia sẻ: Cách đây 4 năm khi biến cố ập đến khi gia đình đang rất hạnh phúc thì chồng chị đột ngột qua đời để lại 2 con mồ côi. Trải qua những đau đớn tột cùng trong cuộc sống, nhìn trẻ mồ côi chị vô cùng thương, đồng cảm nên đã thành lập Quỹ trẻ mồ côi để đỡ đầu tất cả những trẻ em mồ côi ở huyện. Mỗi tháng đỡ đầu 40 hoàn cảnh trẻ mồ côi. Là người từng gặp khó khăn, nên khi Báo Tuyên Quang mở Chuyên mục Nhịp cầu nhân ái, chị rất vui. Chị tin rằng, qua chuyên mục này, những mảnh đời bất hạnh trên địa bàn huyện Hàm Yên được lan lan tỏa và được giúp đỡ nhiều hơn.
Trao đi yêu thương, đó là cách mà những hoàn cảnh khó khăn đang làm để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Em Nguyễn Thanh Thảo, sinh viên năm 3, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tâm sự: Năm 2020, bố em không may qua đời ở nước ngoài vì bị tai biến. Thảo sống với bà ngoại cũng bị tai biến, vừa học, vừa chăm bà. Đó là khoảng thời gian có rất nhiều cảm xúc vì bố mất ở xa, em không có cơ hội gặp bố em, em lại cách kỳ thi đại học 1 tháng. Em may mắn khi được Báo Tuyên Quang giúp đỡ, kết nối đến các nhà tài trợ, giúp em vượt qua khó khăn, viết tiếp giấc mơ giảng đường. Hiện em vừa học, vừa làm và tham gia các hoạt động xã hội, là thành viên tích cực trong Đội nấu cơm từ thiện cho các bạn nhỏ ở Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội. Thảo chia sẻ: Em nghĩ trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, chúng ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta được chọn cách mình sống, cách mình cư xử và ứng biến với cuộc sống. Việc em đang làm, cho đi hay nhận lại đó là điều rất đáng trân quý.
Nghĩa cử cao đẹp của các nhà hảo tâm đã thắp sáng ước mơ cho biết bao hoàn cảnh khó khăn. Đó là em Trần Việt Trọng cách đây 10 năm cũng từng có hoàn cảnh khó khăn, tưởng chừng khép lại giấc mơ đến với giảng đường đại học. Nhưng nhờ kết nối hỗ trợ của cán bộ, phóng viên Báo Tuyên Quang với các nhà hảo tâm, chàng trai ấy được đi học đại học, giờ là Phó Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển du lịch trải nghiệm khám phá Việt. Từ một hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, nay Trọng đã trở thành nhà tài trợ khi tặng 2 suất quà cho 2 sinh viên đến với Gala Nhịp cầu nhân ái. Trọng trải lòng: Em được như hôm nay là nhờ những tấm lòng nhân ái đã giúp khi khó khăn nhất. Nên rất mong muốn được lan tỏa nguồn năng lượng tích cực và tiếp thêm động lực cho các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các bạn trẻ.
Bắc nhịp cầu nhân ái
Từ tháng 5-2021, Báo Tuyên Quang đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh mở chuyên mục Nhịp cầu nhân ái. Từ các bài viết thông qua chuyên mục Nhịp cầu nhân ái trên Báo Tuyên Quang đăng tải trên Báo Tuyên Quang Cuối tuần, Báo Tuyên Quang online và Fanpage Báo Tuyên Quang online đã kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, Báo Tuyên Quang đã nhận được gần 2 tỷ đồng hỗ trợ từ các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cho các nhân vật khó khăn của chuyên mục Nhịp cầu nhân ái. Suốt chặng đường ấy là bao trăn trở, cố gắng của lãnh đạo Báo Tuyên Quang và tập thể cán bộ, phóng viên, cộng tác viên.
Đại biểu, các nhà hảo tâm và nhân vật được hỗ trợ giao lưu tại Gala.
Đánh giá về hiệu quả của chuyên mục, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh khẳng định: Nhịp cầu nhân ái là một trong những chuyên mục và một trong những hoạt động hiệu quả nhất mà Hội Chữ thập đỏ phối hợp với các cơ quan đơn vị truyền thông thực hiện. Qua đó nhằm vận động các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia đồng hành với hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và có các địa chỉ cụ thể để hỗ trợ cho nhân vật. Điều lớn nhất là qua chuyên mục đã lan tỏa được tấm lòng nhân ái vì một xã hội đầy lòng nhân ái, vì một Tuyên Quang phát triển đầy lòng nhân ái.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hoàng Long, ông Phạm Văn Học bày tỏ: Trong xã hội, cộng đồng và mỗi lòng người dân đều có sẵn lòng trắc ẩn. Nhưng có cơ hội biết được hay không, đó chính là ý nghĩa chuyên mục Nhịp cầu nhân ái mang lại, tạo cơ hội để lan tỏa được nhiều yêu thương hơn. Qua chuyên mục Nhịp cầu nhân ái mà ông mới biết đến hoàn cảnh khó khăn của em Thu và kịp thời có hoạt động hỗ trợ ý nghĩa như thế. Ông tin rằng, Thu sẽ trở thành bác sỹ và người bác sỹ này được ươm mầm trong môi trường trắc ẩn, giàu lòng nhân ái, không chỉ là một bác sỹ giỏi mà còn là một bác sỹ có tâm.
Hiệu quả của chuyên mục Nhịp cầu nhân ái đã được minh chứng qua những con số cụ thể với những hoàn cảnh đã được giúp đỡ. Để chuyên mục tiếp tục thực hiện hiệu quả trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đồng chí Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Mai Đức Thông khẳng định: Chuyên mục Nhịp cầu nhân ái cũng như Gala được tổ chức ngày hôm nay là sự đổi mới về nội dung và cách thể hiện để Báo Tuyên Quang ngày càng thiết thực hơn với đời sống, gần gũi hơn với công chúng. Qua đó thể hiện rõ hơn, sâu sắc hơn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo và khởi đầu cho những chương trình thiện nguyện tiếp theo trong năm 2023. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà hảo tâm cùng với chương trình để Báo Tuyên Quang luôn là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với các hoàn cảnh khó khăn cùng cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Gửi phản hồi
In bài viết