Đổi mới ở làng Pà Thẻn
Từ trung tâm thành phố, ngược hơn 60 km đường núi quanh co, chúng tôi có mặt tại các bản làng người dân tộc Pà Thẻn, thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú. Không khí đón Tết ở làng rộn ràng, đông vui hơn thường ngày.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Linh Phú Tái Văn Mùi, người con của Pà Thẻn giới thiệu, xã Linh Phú có 62 hộ, gần 200 nhân khẩu người dân tộc Pà Thẻn, bà con sinh sống tập trung ở 2 thôn Khuổi Hóp, Nà Luông. Trước kia, đời sống bà con chủ yếu dựa vào núi rừng, tự cung tự cấp nên hết sức khó khăn. Những năm qua, từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đặc biệt là “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”, đời sống của bà con đã có bước phát triển.
Các thôn có đồng bào dân tộc Pà Thẻn được đầu tư đường giao thông, được hỗ trợ giống, máy móc, khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất, như: trồng rừng, trồng chè Pà Thẻn. Bà con dân tộc Pà Thẻn nay không chỉ trồng rừng cung cấp nhà máy giấy, mà còn đầu tư xưởng chế biến gỗ, sản xuất chè Pà Thẻn. Năm 2020, chè Pà Thẻn đã được đăng ký nhãn hiệu và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bà con quây quần bên nồi bánh đón Tết.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Tái Văn Cát, một trong những hộ dân tộc Pà Thẻn làm kinh tế giỏi ở thôn Khuổi Hóp. Chỉ tay về vườn chè hữu cơ đang chuẩn bị nảy lộc đón xuân mới, ông Cát tươi cười chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 1 ha chè, từ năm 2017 đã cho thu hoạch. Để nâng cao giá trị cây chè, gia đình tôi đã đầu tư máy vò, quay chè, sản xuất chè khô. Với 1 ha chè, bình quân 1 năm tôi thu trên 2 tạ chè khô, với giá 150 nghìn đồng/kg, gia đình cũng có một khoản thu nhập đáng kể. Ngoài trồng chè, gia đình tôi trồng hơn 10 ha keo, mỡ; chăn nuôi dê, trâu sinh sản, cấy lúa kết hợp nuôi cá chép ruộng... Mô hình kinh tế trên đã cho gia đình tôi có thu nhập ổn định, với những cái Tết đủ đầy”.
Ông Triệu Văn Ngô, Trưởng thôn Khuổi Hóp phấn khởi, nói: “Thôn Khuổi Hóp có hơn 40 hộ nhưng có tới 400 ha rừng sản xuất, hơn 20 ha chè Pà Thẻn, 2 loại cây trồng này đã từng bước làm thay đổi bộ mặt trong thôn, vì thế, bà con đón tết cũng đủ đầy hơn, nhà nào cũng có thịt, có bánh”.
Bà con làm rượu hoẵng chuẩn bị đón Tết.
Tết sớm
Pà Thẻn là một trong những dân tộc có phong tục ăn Tết cổ truyền đậm đà bản sắc và được gìn giữ lâu đời. Khác với các dân tộc, người Pà Thẻn ăn Tết sớm, bắt đầu từ 20 tháng Chạp và kết thúc vào 12 giờ đêm 30 tháng Chạp. Ngày mùng 1, 2 người Pà Thẻn nghỉ ngơi vui chơi, đến mùng 3, 4 bắt đầu lao động sản xuất.
Ông Triệu Văn Ngô, Trưởng thôn Khuổi Hóp bảo “Ngày xưa nghèo khó, nên cả năm trẻ con mới được mua 1 bộ quần áo mới, bố mẹ thường phát cho các con vào sáng mùng 1 sau khi hóa vàng xong. Giờ, cuộc sống đủ đầy, quần áo mua quanh năm, phong tục phát quần áo mới sáng mùng 1 cũng không còn nữa. Nhưng tục thịt lợn, đụng lợn thì vẫn còn lưu giữ. Người Pà Thẻn quan niệm tết to hay bé phụ thuộc đầu con lợn, nhà nào thịt lợn càng to, chính là ăn tết to”.
Chỉ tay về phía chuồng lợn, ông khoe: “Năm nay nhà tôi sẽ thịt con lợn tầm 60 kg để đãi cả gia đình và bà con lối xóm. Tết dù giàu hay nghèo cũng không thể thiếu thịt lợn cúng tổ tiên”.
Bà Nguyễn Thị Vững, thôn Khuổi Hóp cho biết, trước kia người Pà Thẻn có nhiều tục lệ kiêng khem lắm, nhưng bây giờ khác rồi, bỏ bớt những tục lệ rườm rà mà vẫn giữ được nét đặc sắc văn hóa truyền thống. Riêng phong tục ăn Tết sớm hơn các dân tộc khác 5 ngày được gìn giữ.
Chị em dân tộc Pà Thẻn thôn Khuổi Hóp làm bánh dày đón Tết.
Vào những ngày cuối tháng 11 Âm lịch, chị em dân tộc Pà Thẻn đã bắc nồi nấu gạo nếp ủ rượu hoẵng men lá. Rót chén rượu hoẵng mời khách, bà Vững cười nói “Tết, gia đình tôi có 2 thứ không thể thiếu đó là bánh dày và rượu hoẵng”. Nói rồi, bà đon đả mời chúng tôi thử rượu bà làm. Nhấp chén rượu trên môi, bà Vững bảo, tết không được uống rượu hoẵng là chưa phải ăn Tết. Và cũng chỉ có Tết mới được uống rượu này, còn ngày thường bà con tập trung lao động sản xuất ít ai uống rượu lắm”.
Tết của người Pà Thẻn khác với các dân tộc là thắp hương cúng tổ tiên không phải bánh chưng mà bằng bánh dày. Dù gia chủ giàu hay nghèo, Tết bàn thờ tổ tiên không thể thiếu bánh dày. Bà con ở đây thường lựa chọn loại gạo nếp mới, xôi chín, đổ ra cối giã. Vui nhất là khâu giã bánh, bởi đây là lúc cả nhà quây quần bên cối giã, vừa giã vừa kể chuyện vui buồn, gặt hái trong năm qua.
Những ngày áp Tết, cả bản làng Pà Thẻn hòa vang nhịp chày giã bánh vọng lại từ mỗi mái nhà, tạo nên không khí Tết tươi vui, rộn ràng khắp bản. Tết ở làng Pà Thẻn, nhà nào cũng có bánh dày để cúng ông bà tổ tiên, sau đó sẽ đem ra thiết đãi khách đến chơi. Mặc dù cuộc sống đang đổi mới, nhưng đồng bào Pà Thẻn ở Linh Phú vẫn luôn gìn giữ được nét độc đáo, bản sắc văn hóa riêng từ bao đời nay của dân tộc mình.
Gửi phản hồi
In bài viết