Tiêm chủng cho trẻ em tại Venezuela (Ảnh: William Urdaneta/UNICEF).
Thủ tướng Đức cũng cho biết, một trong những ưu tiên của Đức trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 là cải thiện cơ sở hạ tầng y tế thế giới. Điều này chỉ có thể đạt được khi có sự hỗ trợ của tất cả các đối tác, trong đó việc tài trợ đầy đủ cho chiến dịch tiêm chủng toàn cầu là điều hết sức cần thiết.
Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) cho biết, cần thêm 5,2 tỷ USD để tiếp tục cung cấp vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch GAVI Jose Manuel Barroso (G.Ba-rô-xô) nhấn mạnh việc duy trì cung cấp vắc-xin thông qua cơ chế COVAX. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh tầm quan trọng phải tăng cường năng lực phân phối vắc-xin của COVAX để đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số ở các nước nghèo hơn vào giữa năm 2022.
Nam Phi khai trương cơ sở sản xuất vaccine ngừa Covid-19 thế hệ thứ hai. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (C.Ra-ma-phô-xa) khẳng định, việc khai trương cơ sở này sẽ tạo điều kiện để các nước châu Phi dễ dàng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 hơn. Sáng kiến Nền tảng vật tư y tế châu Phi đã được triển khai nhằm bảo đảm nguồn cung vật tư y tế với giá cả phải chăng cho các nước châu Phi.
Trong khi nỗ lực phủ rộng vắc-xin được đẩy nhanh, nhiều khu vực vẫn chứng kiến làn sóng bùng phát dịch bệnh. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết, dịch Covid-19 đang lây lan nhanh hơn bao giờ hết tại châu Mỹ. Số ca mắc mới cao kỷ lục được ghi nhận tại nhiều nước, như Brazil, Mexico, Chile. Lần thứ hai Mỹ ghi nhận hơn 1 triệu ca Covid-19 trong một ngày.
Tại châu Á, với hơn 300 nghìn người bệnh, Ấn Độ có số ca mắc Covid-19 một ngày cao nhất trong 8 tháng qua. Tỷ lệ ca bệnh theo ngày tại Hàn Quốc lên mức hơn 6.000 người, lần đầu tiên sau 27 ngày. Hàn Quốc đã khởi động tiêm mũi vắc-xin tăng cường.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (G.A-đơn) cảnh báo số ca mắc Covid-19 ở nước này có thể lên mức chưa từng thấy, do sự lây lan của biến thể Omicron. Chính phủ New Zealand đang chuẩn bị để ứng phó đợt bùng phát dịch trong cộng đồng, có thể sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế trên toàn quốc.
Nhiều quốc gia tại châu Phi đối mặt làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Khu vực Nam Phi vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là Bắc Phi và Đông Phi, trong khi Trung Phi chịu ít tác động nhất. Tunisia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất khu vực.
Trong khi đó, số ca mắc tại Tây Ban Nha có xu hướng giảm. Bộ Y tế Tây Ban Nha tiếp tục kêu gọi người dân tiêm mũi vắc-xin tăng cường; nhấn mạnh việc này giúp cải thiện rõ rệt khả năng phòng các biến thể Omicron và Delta. Tổng số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua tại Anh cũng giảm 37,2% so với tuần trước đó.
Gửi phản hồi
In bài viết