Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại Strabourg (Pháp) ngày 19/1. (Ảnh: Reuters)
Pháp bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng EU từ ngày 1/1/2022 và kéo dài 6 tháng tới ngày 30/6. Sau 13 năm, Pháp trở lại cương vị này trong bối cảnh có nhiều thách thức như đại dịch còn diễn biến phức tạp, bầu cử Tổng thống vào đầu tháng 4 và căng thẳng địa chính trị ở khu vực châu Âu liên quan đến Nga và Ukraine, giá nhiên liệu tăng vọt hay phục hồi kinh tế của EU còn nhiều bất trắc.
Tổng thống Pháp cho biết, một trong những ưu tiên cho sự phát triển và lớn mạnh của EU là vấn đề an ninh mà Pháp sẽ đưa ra cụ thể hơn trong vài tuần tới. Sáng kiến về an ninh châu Âu sẽ bao gồm cả việc đối thoại với Nga.
Tổng thống Pháp cho rằng EU cần đối thoại thẳng thắn với Nga và tìm kiếm một giải pháp chính trị để tháo gỡ những vấn đề căng thẳng song phương liên quan tình hình Ukraine. Ông Macron khẳng định, Pháp và Đức muốn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, thông qua khuôn khổ Normandy mà hai nước này cùng tham gia với Ukraine và Nga.
Theo Tổng thống Pháp, trật tự an ninh mà ông đề nghị phải dựa trên những nguyên tắc nhất định. Đó là bác bỏ việc sử dụng vũ lực, đe dọa và cưỡng ép; các quốc gia được tự do lựa chọn tham gia các tổ chức, liên minh, hiệp ước an ninh; không xâm phạm các biên giới; tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; bác bỏ việc hình thành các vùng ảnh hưởng.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh, công cuộc xây dựng châu Âu được thực hiện trong suốt 70 năm qua dựa trên 3 cam kết: dân chủ, tiến bộ và hòa bình.
Đề cập đến vai trò của EU trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Tổng thống Pháp cho rằng EU đã thể hiện vai trò đi đầu trong việc sản xuất vaccine và phục hồi kinh tế. Ông nói: Chính sự đoàn kết của EU đã hạn chế được sự mất mát về người trong đại dịch này.
Về mặt xã hội, Tổng thống Pháp Macron cho rằng quyền được phá thai và việc bảo vệ môi trường cần được đưa vào Hiến chương các quyền căn bản của EU.
Kể từ khi đắc cử năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron luôn là người ủng hộ chủ trương xây dựng EU thành một khối thật gắn kết và tự cường. Trong thông điệp đêm Giao thừa vừa qua, Tổng thống Pháp cho rằng, châu Âu là con đường duy nhất mà nước Pháp có thể trở nên mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thách thức toàn cầu.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg là dịp để Tổng thống Pháp trình bày về phương hướng và kế hoạch hành động vì châu Âu của nước Pháp nhằm vận động sự ủng hộ rộng rãi của các nghị sĩ châu Âu. Ưu tiên của Pháp trong 6 tháng làm chủ tịch luân phiên của EU là chấn hưng kinh tế, tăng cường sức mạnh và hội nhập-gắn bó.
Mục tiêu là để EU thành công trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, bảo vệ và cổ vũ cho các giá trị và lợi ích của khối và để xây dựng, phát triển một thế giới tinh thần chung của châu Âu thông qua văn hóa, các giá trị và lịch sử chung.
Gửi phản hồi
In bài viết