Rà soát các quy định, bảo đảm tính thống nhất
Sáng 14/11, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu rõ, những tác động, các mối quan hệ qua lại đã làm đất đai trở nên nhạy cảm, phức tạp và đôi khi “nóng, sốt”.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Với những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo như luật hiện hành với nhiều luật khác, đại biểu bày tỏ tán thành và nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, đặc biệt là thể chế hóa nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW, từ đó giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, góp phần sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Góp ý về bố cục dự thảo luật, đại biểu cho rằng việc sắp xếp các Chương như dự thảo luật hiện nay chưa phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đưa quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất tại Chương 10 lên trước Chương 6 để bảo đảm tính logic theo tuần tự là công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, trưng dụng thu hồi đất,...
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, quy định tại Điều 4 dự thảo luật chưa phù hợp quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cần rà soát quy định lại phù hợp, bảo đảm tính thống nhất.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cũng đồng tình với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này theo quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 18, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng, được người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền trên cả nước trông đợi từ lâu, kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vấn đề bất cập trong quản lý, vận hành cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, góp phần nâng cao giá trị nguồn lực của đất đai, tạo động lực cho phát triển đất nước.
Do đây là dự thảo luật được thông qua lần đầu, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, môi trường của đất nước, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến nhiều luật khác, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị cần thận trọng, từng nội dung cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành.
Do dự án Luật Đất đai có tính chất đặc thù và nhạy cảm so với các dự án luật khác, có ranh giới rõ ràng giữa các đối tượng điều chỉnh trong luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và dự báo tình hình để bổ sung nhiều nội dung đã, đang và sẽ phát sinh trong thực tiễn để thêm vào phần giải thích từ ngữ, đồng thời cần quy định chi tiết, cụ thể rõ ràng và đầy đủ hơn, bảo đảm bất kỳ ai khi đọc luật này cũng đều hiểu rõ và có thể áp dụng được ngay.
Riêng các nội dung không thể làm rõ ngay trong dự luật, đại biểu đề nghị cần phải được làm rõ ngay trong nghị định hướng dẫn, hạn chế tối đa việc quy định trong thông tư của các bộ, ngành hoặc trong quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đại biểu nhấn mạnh, có như vậy mới bảo đảm tính thống nhất xuyên suốt trong việc cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về chính sách đất đai.
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Góp ý nội dung liên quan thủ tục hành chính về đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Trong khi đó, theo báo cáo của ban soạn thảo, hiện nay Luật Đất đai đã có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo với ít nhất 20 văn bản luật khác. Điều này dẫn đến có nhiều vướng mắc trên thực tế vì các thủ tục thường liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau, khó đạt được sự kết nối thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban soạn thảo của các đạo luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… để xác định phạm vi điều chỉnh của từng luật, bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác, bên cạnh việc cần thiết giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước.
Quy định rõ chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động
Quan tâm về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) nêu rõ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách để nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có các chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định hiện hành của pháp luật, như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học. Nếu không quy định rõ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì sẽ khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, quy định rõ các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc hoặc thống nhất giữa các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội tương đồng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Nhất trí với việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng như công nhân, người lao động và dân cư ở nông thôn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng khâu quản lý, quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động vẫn còn bất cập.
Đại biểu đề nghị cần bảo đảm quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp của công nhân, người lao động.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cần xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương.
Đại biểu đề xuất cần có chính sách ưu đãi với trường hợp xây nhà cho công nhân và người lao động thuê nhằm làm tăng nguồn cung với đối tượng này.
Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi để khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận quỹ đất hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết