Giữ thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm
Năm 2007, cam sành Hàm Yên được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể cam sành là UBND huyện Hàm Yên. 14 năm kể từ khi được chứng nhận nhãn hiệu, sản phẩm cam sành Hàm Yên đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường.
Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên cho biết, năm 2015, cam sành Hàm Yên công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam và cũng trong năm đó, cam sành Hàm Yên lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng toàn quốc. Để có được kết quả đó, huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, khuyến khích người trồng cam đầu tư, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm cam. Hiện toàn huyện Hàm Yên gần 1.700 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu cao nhất về vệ sinh an toàn, thực phẩm trong nước cũng như xuất khẩu.
Nhãn hiệu Cam sành Hàm Yên đã được người tiêu dùng cả nước biết đến.
Anh Hoàng Đức Hùng, trưởng liên nhóm cam hữu cơ Hàm Yên (PGS) cho biết, năm 2014, nhóm đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để chuyển đổi diện tích cam sản xuất đại trà sang hữu cơ. Với quy trình hữu cơ, cây cam được chăm sóc theo chế độ đặc biệt với đạm cá, phân chuồng hoai mục, nguồn nước tưới cũng được đảm bảo các chỉ tiêu về độ an toàn. Chăm sóc ở chế độ cao, sản phẩm cam sành vượt trội về chất lượng, vị thơm ngon, ngọt đậm. Anh Hùng chia sẻ, cam PGS Hàm Yên đang được chuỗi sản phẩm sạch Bác Tôm, Ba Lành... nổi tiếng trên toàn quốc bao tiêu. Anh Hùng chia sẻ thêm, sản xuất theo hướng an toàn, giá cam PGS cao gấp 3 lần so với giá cam đại trà. Hiện 1 kg cam PGS tại vườn là 28 nghìn đồng.
“Chắp cánh” cho nhãn hiệu sản phẩm bưởi Phúc Ninh (Yên Sơn) vươn xa, xã Phúc Ninh cũng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn mở các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái bảo quản bưởi; khuyến khích các nhà vườn chuyển đổi sang sản xuất VietGAP... để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đồng chí Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh chia sẻ, cùng với đầu tư thâm canh cao, xã cũng tích cực, chủ động hợp tác với ngành Nông nghiệp, Công thương tạo điều kiện để các nhà vườn tham gia các chương trình hội trợ, xúc tiến thương mại trên kênh truyền thống và hiện đại. Với cách làm này nhãn hiệu bưởi Phúc Ninh đã được lan tỏa, từ đó thúc đẩy đầu ra của sản phẩm.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 307 sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 70 sản phẩm nhãn hiệu tập thể. Hầu hết các nhãn hiệu tập thể đều được các thành viên khai thác, phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm, mang lại giá trị cho cộng đồng.
Trách nhiệm chung
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là, một số chủ sở hữu nhãn hiệu chưa nắm rõ được vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể để giữ gìn danh tiếng của sản phẩm. Tình trạng, cùng một dòng sản phẩm nhưng mẫu mã, chất lượng không đồng đều vẫn đang tồn tại. Một số hợp tác xã, tổ chức Hội - chủ thể nhãn hiệu tập thể ở địa phương thiếu sự kiểm soát về số lượng sản phẩm, việc tuân thủ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, sử dụng nhãn hiệu, logo gắn trên sản phẩm còn hạn chế. Chưa kể nhiều chủ thể thiếu định hướng kế hoạch phát triển sản phẩm... Điển hình như nhãn hiệu mắm cả Cổ Linh của Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) - sản phẩm từng được kỳ vọng sẽ mang đến giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, sau thời gian được cấp nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm không đủ để sản xuất theo hướng hàng hóa do không duy trì được vùng nguyên liệu.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể muốn phát triển rất cần trách nhiệm chung, trong đó vai trò hàng đầu là của chủ thể, các thành viên và sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Anh Nông Văn Hương, thôn 1 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên) khẳng định, trách nhiệm với nhãn hiệu cam sành cũng chính là bảo vệ cây sinh kế của mình nên anh và nhiều hộ trồng cam trong thôn đã thay đổi tư duy sản xuất. Thay vì mở rộng diện tích, người trồng cam Minh Quang giờ đã đi sâu vào nâng cao chất lượng, mẫu mã trái cam.
Theo ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên, để phát triển nhãn hiệu cam sành, hàng năm huyện đều có văn bản triển khai đến các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người trồng cam về lợi ích, giá trị của việc sử dụng nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm của địa phương; quản lý việc sử dụng nhãn hiệu; phát hiện kịp thời, có văn bản nhắc nhở, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ kinh phí in ấn bao bì...
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, để nâng giá trị từ nhãn hiệu tập thể, người sản xuất cần đẩy mạnh liên kết để phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm; quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng; tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành cho việc quảng bá nhãn hiệu. Sở sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đặc sản của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết