Loại hình du lịch mới, hấp dẫn
Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 80 sân golf đi vào hoạt động, trong đó có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Các sân golf Việt Nam hầu hết mới được xây dựng, thiết kế hiện đại, có khả năng cạnh tranh với những sân golf tốt nhất của các nước trong khu vực. Số lượng người chơi golf tại Việt Nam ngày càng tăng. Hiện đã có hơn 50.000 người Việt Nam và 20.000 người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam chơi golf và dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người chơi golf.
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch golf, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ngô Hoài Chung cho rằng, du lịch golf đã trở thành một thị trường mang lại doanh thu cao, tạo việc làm và cơ hội cho các điểm đến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch golf là loại hình mới đầy tiềm năng của Việt Nam. Với lợi thế ổn định về thời tiết, được xây dựng tại những địa điểm có cảnh quan đẹp, khu nghỉ dưỡng cao cấp, nên Việt Nam thu hút được đông đảo người chơi golf trong nước và quốc tế. Golf thủ là những người có điều kiện về tài chính, nên phát triển loại hình du lịch golf sẽ tăng sức cạnh tranh cho ngành Du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện du lịch golf vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hơn 1 năm qua, các giải đấu golf chỉ tổ chức trong nước, thu hút chủ yếu lượng khách nội địa. Hạn chế lớn nhất của du lịch golf Việt Nam là việc liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành với các sân golf chưa bền chặt, nên các tour du lịch golf chiếm tỷ lệ thấp. Du lịch golf hầu như chưa kết nối được với các loại hình du lịch khác. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa tổ chức được các giải đấu golf chuyên nghiệp mang tầm cỡ quốc tế, khâu quảng bá còn yếu, khiến du lịch golf vẫn còn xa lạ với nhiều người.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, trong số hơn 15,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018, khách du lịch golf chiếm 0,8%, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, với lợi thế về các sân golf tiêu chuẩn cũng như sức hút điểm đến, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút được du khách Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á. “Lúc này, tuy chưa đón được khách quốc tế, nhưng các sân golf cần hoàn thiện hệ thống dịch vụ chất lượng, đẳng cấp, tạo sự khác biệt dựa trên lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để hấp dẫn khách du lịch yêu thích môn thể thao này”, ông Vũ Thế Bình nói.
Bàn về giải pháp phát huy tiềm năng du lịch golf, Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtour Nguyễn Công Hoan cho hay, Việt Nam đã được biết đến là “Điểm đến golf tốt nhất” của châu Á và thế giới, điều này cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa, đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí an toàn, hấp dẫn, chất lượng để thu hút du khách. Ngoài ra, các sân golf cần liên kết với đơn vị lữ hành để phát triển nhiều sản phẩm du lịch golf kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng (MICE), du lịch nghỉ dưỡng… Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, Việt Nam cần hợp tác với các nước có thế mạnh du lịch golf như Thái Lan, Malaysia và các loại hình du lịch khác để thu hút nhiều đối tượng du khách hơn nữa.
Ở góc độ quản lý nhà nước, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Ngô Hoài Chung, các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch golf cần phối hợp với Hiệp hội Golf Việt Nam, Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam tổ chức các giải đấu ở nhiều cấp độ, từ chuyên nghiệp đến không chuyên để trước mắt thu hút những người chơi golf trong nước, sau đó hướng tới du khách quốc tế.
“Tổng cục Du lịch đã phát động cuộc bình chọn trên phạm vi toàn quốc cho du lịch Việt Nam tại "Giải thưởng golf thế giới - World Golf Awards 2021" ở hạng mục “Điểm đến golf tốt nhất châu Á 2021”. Đây cũng là cách để quảng bá cho du lịch golf Việt Nam, thu hút khách quốc tế có thời gian lưu trú dài và khả năng chi tiêu cao (trung bình khách du lịch golf chi tiêu gấp 2,2 lần khách du lịch thông thường) đến Việt Nam trong thời gian tới”, ông Ngô Hoài Chung cho biết.
Gửi phản hồi
In bài viết