Khẩn trương di dân ra khỏi vùng nguy hiểm

- Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, mưa lũ, việc bố trí, sắp xếp, di dời các hộ dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản là nhiệm vụ cấp bách đang được các cấp, ngành tập trung triển khai. 

Chủ động trước thiên tai

Để bảo đảm tiến độ di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm trước mùa mưa lũ, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện công tác di dân theo kế hoạch, đúng đối tượng, đúng chính sách của chương trình bố trí và ổn định dân cư. 

Na Hang là địa phương có điều kiện tự nhiên đồi núi dốc, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhiều khe suối nên vào mùa mưa lũ thường xảy ra tình trạng sạt lở tại các thôn, xóm làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Qua đánh giá và rà soát, trên địa bàn huyện có 32 hộ nằm trong khu vực sạt lở, lũ quét phải di dời đến nơi an toàn. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cử cán bộ phối hợp với các xã rà soát, đánh giá tình hình và chủ động đề xuất với huyện phương án di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở trước khi bước vào mùa mưa lũ. Đến nay, huyện đã tổ chức di chuyển được 29 hộ đến nơi an toàn, còn lại 3 hộ trong diện chờ di chuyển.

 Người dân thôn Nà Đứa, xã Đà Vị (Na Hang) đã được ổn định sau khi di chuyển đến nơi ở mới.

Nhờ các dự án sắp xếp dân cư tập trung, các điểm tái định cư được đầu tư hạ tầng đồng bộ đảm bảo các hộ sau khi chuyển đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đủ điều kiện để ổn định cuộc sống lâu dài và phát triển kinh tế bền vững. Chuyển ra nơi ở mới, gia đình bà Hoàng Thị Dung, thôn Nà Đứa, xã Đà Vị (Na Hang) đã trút bỏ được lo âu, thấp thỏm mỗi khi mưa lớn xảy ra. Bà Dung cho biết, gia đình bà có 7 khẩu, mỗi khi có mưa to, gió lớn, cả gia đình rất lo lắng, luôn thấp thỏm trong nỗi sợ hãi. Năm 2023, gia đình bà được nhà nước di chuyển đến khu ở mới tập trung, thuộc dự án sắp xếp ổn định dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nay gia đình bà đã ổn định cuộc sống, làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

Gấp rút di dời các hộ dân

Vừa qua, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Mưa lớn đã gây sạt trượt mái ta luy dương làm thiệt hại về nhà ở, tài sản và nguy hiểm đến cuộc sống của 8 hộ gia đình tại tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc đang sinh sống tiếp giáp với mái taluy dương. Ông Đoàn Văn Thành, tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, những ngày qua mưa to cho nên lượng đất đá mái ta luy dương đằng sau nhà ông và các hộ hàng xóm sạt lở rất nhiều, vùi lấp, gây nứt tường nhà, ông mong các cấp chính quyền sớm có phương án đảm bảo an toàn cho gia đình ông và các hộ khác ổn định cuộc sống và yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.

​​Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, ngay sau khi ghi nhận hiện tượng sạt trượt xảy ra tại thôn Vĩnh Hưng và thôn Vĩnh Giang, thị trấn Vĩnh Lộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo thị trấn Vĩnh Lộc cắm biển cảnh báo cho người dân, đồng thời thi công bờ kè khẩn cấp đối với công trình sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, toàn tỉnh đã di dời được 307 hộ đến nơi ở mới. Trong năm 2024, qua báo cáo rà soát nhu cầu của các huyện, thành phố tổng số hộ cần bố trí dân cư là 150 hộ, hiện nay, các hộ đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để di chuyển đến nơi ở mới.

Để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại, giải pháp được các địa phương đưa ra là thường xuyên thực hiện thông tin, cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá. Trên cơ sở đó, tổ chức rà soát, kiểm tra các vị trí xảy ra sạt, lở, thực hiện cắm biển cảnh báo để người dân biết chủ động, sơ tán, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục