Lập hành lang bảo vệ sông, suối

- Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 644/QĐ-UBND, ngày 6-6-2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn, nhiều đoạn sông, suối đã được bảo vệ, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất ven bờ, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước.

Tuyên Quang có mật độ sông, suối nhiều, khoảng 0,9 km/km2, với 3 con sông chảy qua gồm: Sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Trữ lượng nước ngầm có thể khai thác tại các lưu vực sông khoảng 4,2 triệu m3/ngày. Hệ thống sông ngòi của tỉnh có vai trò rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế và các mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên gần đây ý thức bảo vệ, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế, cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu… đang đe dọa đến an ninh, an toàn về tài nguyên nước.

Đoạn sông Lô chảy qua địa phận thành phố Tuyên Quang đã được thiết lập hành lang để bảo vệ đất ven sông, phòng chống sạt, lở.

Đoạn sông Lô dài 39,5 km chảy qua địa phận xã Vĩnh Lợi, Thượng Ấm, Cấp Tiến, Đông Thọ, Quyết Thắng, Vân Sơn, Hồng Lạc, Trường Sinh (Sơn Dương) là nguồn cung cấp nước chính để phục vụ sản xuất cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của 8 xã dọc theo ven sông, đồng thời cũng là trục thoát nước khi mưa lớn xảy ra. Tuy nhiên những năm gần đây do nhiều nguyên nhân bờ sông liên tục bị sạt lở, nhiều điểm đã sạt đến gần đường đê làm biến dạng đoạn sông, gây mất đất sản xuất, đe dọa đến an toàn khu dân cư nế u có lũ xảy ra. Ông Nguyễn Sơn Hán, cán bộ Ban quản lý công trình thủy lợi xã Vĩnh Lợi cho biết, ông rất mừng khi biết tỉnh đưa đoạn sông Lô chảy qua địa phận xã vào danh mục phải lập hành lang bảo vệ. Theo ông Hán, tỉnh cắm mốc ranh giới, hình thành hành lang, các tổ chức, cá nhân cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ bờ sông, ngăn chặn tình trạng xâm lấn, vứt rác xuống sông gây ô nhiễm dòng sông.

Sông Gâm đoạn qua các xã Lực Hành, Phúc Ninh, Xuân Vân, Tân Long (Yên Sơn) cũng đang được lên kế hoạch để cắm mốc hành lang bảo vệ để bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, đảm bảo sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước.

Không chỉ sông, hàng chục các con suối cũng nằm trong danh mục phải thiết lập hành lang, bảo vệ để tránh hiện tượng xâm lấn làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Ông Ôn Văn Tám, Trưởng Ban quản lý công trình nước sạch xã Ninh Lai (Sơn Dương) chia sẻ, công trình cấp nước của xã đang bị một số hộ xâm lấn gây thất thoát nguồn nước, ảnh hưởng đến công suất cung cấp nước của công trình. Ông Tám mong với quyết định của UBND tỉnh về việc thiết lập hành lang bảo vệ sẽ giải quyết được dứt điểm tình trạng một số hộ dân xâm lấn vào khu vực lấy nước.

Ông Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, có 138 đoạn sông, suối phải thiết lập hành lang bảo vệ, trong đó nhiều nhất là huyện Chiêm Hóa với 34 đoạn sông, suối; huyện Lâm Bình, Yên Sơn mỗi huyện có 27 đoạn; huyện Sơn Dương 26 đoạn. Số còn lại là các huyện Hàm Yên, Na Hang, TP Tuyên Quang. Sở đã lập kế hoạch phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các bước: xác định ranh giới, cắm mốc, lập hành lang bảo vệ theo đúng quy định của UBND tỉnh.

Cùng với việc xác định ranh giới, cắm mốc, lập hành lang bảo vệ, Sở cũng thực hiện điều tra, xác minh, quan trắc môi trường nước trên các đoạn sông, suối giám sát diễn biến nguồn nước. Từ đó đề xuất các giải pháp khả thi góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường nước mặt đặc biệt trên hệ thống sông, suối, ao, hồ.

Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Phùng Thế Hiệu cho rằng, quy định thiết lập hành lang bảo vệ các đoạn sông suối vô cùng cần thiết song là chưa đủ nếu không có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống quanh khu vực. Bởi trên thực tế một số đoạn sông, suối hiện nay bị ô nhiễm phần lớn nguyên nhân từ chính ý thức của cộng đồng dân cư sống trong khu vực gần đó. Do vậy mỗi người dân, cộng đồng dân cư cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ dòng sông, con suối, bảo vệ cảnh quan, môi trường sống của chính chúng ta.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục