Đồng bộ các giải pháp
Là tỉnh miền núi có địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, do vậy ảnh hưởng của thiên tai là rất lớn, nhất là vào mùa mưa lũ, đe dọa tài sản và tính mạng của người dân. Những năm qua, chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân.
Theo rà soát Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, năm 2022, tỉnh có 166 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, trong đó huyện Lâm Bình có 36 hộ, Na Hang 38 hộ, Chiêm Hóa 36 hộ, Sơn Dương 25 hộ, Yên Sơn 17 hộ, Hàm Yên 14 hộ. Đến nay có hơn 30/166 đã được di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Gia đình bà Hoàng Thị Mình chuyển về thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) sinh sống năm 2011. Ngôi nhà cấp 4 nằm dưới chân núi nơi trước đây là điểm mỏ khai thác quặng có con suối nhỏ chảy qua. Mùa mưa, nước từ con suối dâng lên tràn vào nhà. Bà Mình chia sẻ, “nhà chỉ có 2 vợ chồng, nhiều hôm mưa nước tràn vào ngập đến đầu gối, 2 vợ chồng thức trắng đêm vì sợ lũ về đe dọa tính mạng và tài sản của gia đình”. Đầu năm 2022, gia đình bà Mình đã làm đơn xin di dời đến nơi ở mới. Không trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ, gia đình bà vay mượn tiền của họ hàng xây ngôi nhà mới tại nơi an toàn hơn, đến nay ngôi nhà đang vào hoàn thiện. Đứng bên ngôi nhà mới, bà Mình vui mừng nói: “Vậy là mùa mưa lũ năm nay gia đình không còn phải lo sợ mỗi khi trời mưa to nữa, chuyển về nhà mới ở vị trí cao ráo, an toàn rồi”.
Nhà dân nằm dưới mái taluy xuất hiện vết nứt tại thôn Đoàn Kết, xã Kháng Nhật (Sơn Dương).
Gia đình ông Hỏa Văn Hạnh, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) trước kia sống tại ngôi nhà sàn dưới chân núi đá, thường xuyên bị đe dọa bởi đá lăn. Sau khi được các cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, năm 2021 gia đình ông Hạnh đã chuyển về nơi ở mới an toàn hơn. Ông Hạnh cho biết: “Ngày trước, cứ đến mùa mưa là nỗi sợ đá lăn từ trên núi xuống gây nguy hiểm cho gia đình. Nay chuyển sang nhà mới, mọi người trong gia đình đã yên tâm, không sợ nữa”.
Qua rà soát, năm 2022, huyện Lâm Bình có 36 gia đình nằm trong diện cần di dời do nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất. Đến nay, đã có 17/36 hộ hoàn thành việc di dời, các gia đình còn lại đang được tiếp tục thực hiện để không còn hộ dân nào phải sống trong vùng nguy hiểm. Để thực hiện được việc này, công tác triển khai của các cấp chính quyền được tiến hành từ đầu năm. Công tác rà soát, lập quy hoạch, thẩm định được triển khai nhanh chóng và thực hiện gấp rút. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các hộ phải di chuyển đến nơi ở mới an toàn theo đúng kế hoạch. Mọi quy trình, thủ tục lập danh sách các hộ được hỗ trợ di dời tiến hành theo quy định của Nhà nước.
Không chỉ huyện Lâm Bình, các huyện khác trong tỉnh cũng có cách làm tương tự, do vậy nhiều hộ gia đình sống trong vùng nguy hiểm đã được chuyển đến nơi ở mới an toàn.
Những khó khăn
Ông Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, trên địa bàn có 25 hộ nằm trong diện phải di dời khỏi vùng nguy hiểm, trong đó có 11 hộ tại thôn Đoàn Kết nằm trong diện phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất với độ cao mái taluy khoảng 20m.
Để giảm nguy cơ sạt lở đất, người dân đã đào rãnh thoát nước trên mái taluy. Tuy nhiên, năm 2022 qua kiểm tra phát hiện vết nứt ngang trên mái taluy, nguy cơ sạt lở cao. Qua kiểm tra đánh giá hiện trạng vết rạn nứt, xã báo cáo huyện lập phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Mặc dù vậy, một số người dân tại thôn Đoàn Kết nằm trong diện có nguy cơ sạt lở lại chưa sẵn sàng chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, bởi họ đã ở đây từ nhiều năm, hơn nữa do nằm trên dải đất có giá trị sinh lời cao nên người dân chưa chấp thuận di dời. Do vậy, xã đề xuất huyện phương án ổn định dân cư tại chỗ với phương án hạ mái taluy, xử lý điểm rạn nứt ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa được thực hiện do chưa có kinh phí.
Gia đình bà Hoàng Thị Mình, Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) xây nhà mới tại nơi an toàn.
Theo Chị cục Phát triển nông thôn đến thời điểm này tỉnh đã phê duyệt phương án cũng như số hộ cần phải di dời trong năm 2022. Do nguồn vốn của tỉnh hạn hẹp chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Đa số các hộ nằm trong diện di dời là hộ nghèo chưa có kinh phí di chuyển. Một số địa phương khó khăn về bố trí quỹ đất tái định cư và cả phong tục tập quán của đồng bào, nhiều hộ chưa được tuổi làm nhà, số hộ khác thì phải đến tháng 9-10 mới được tuổi làm nhà gây khó khăn cho công tác di dời.
Để đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm tỉnh cũng chỉ đạo các huyện ứng trước kinh phí để hỗ trợ cho người dân trong thời gian chờ nguồn kinh phí của Trung ương.
Mùa mưa lũ đã cận kề, các địa phương cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để sớm có phương án di chuyển người dân tạm thời đến nơi an toàn trong những ngày mưa, bão lớn. Mỗi người dân cần phải chủ động tự trang bị cho mình các kỹ năng ứng phó với thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết