Phát sinh những bất cập
Địa điểm mới của chợ đêm nằm ngay cạnh đường Quốc Lộ 2 cách trung tâm thành phố 6km đường Tuyên Quang - Hà Nội. Chợ có diện tích hơn 6.000 m2, có các tiện nghi phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán như: Hệ thống đèn chiếu sáng, công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch... Chợ đã thu hút được hơn 100 tiểu thương đăng ký bán hàng.
Những ngày đầu chuyển về địa điểm mới, lượng hàng bán được không nhiều, nhưng đa số các tiểu thương đều yên tâm, tin tưởng hoạt động kinh doanh trở lại bình thường trong một vài ngày tới. Tuy nhiên do khung giờ mở cửa muộn, từ 21 giờ - 7 giờ 30 phút sáng ngày hôm sau gây khó khăn cho việc buôn bán, nhất là bán cho các mối hàng ở tỉnh xa. Mặt khác, khoảng cách đỗ xe ô tô trữ hàng, bán hàng trong chợ chỉ từ 30 cm, 50 cm và 1m... là rất chật. Bà Nguyễn Thị Minh, tổ 7, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) bức xúc nói, với 20 năm buôn bán, bà kết nối được rất nhiều bạn hàng ở tận Mèo Vạc, Xín Mần, Đồng Văn (Hà Giang); Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Mỗi ngày bà bán hàng chục tấn hoa quả tươi. Nhưng khi hàng về đến đây xe không có chỗ đỗ, bởi chợ tận 21 giờ mới mở cửa. Mấy ngày nay bà mất khá nhiều mối hàng ở xa vì không kịp dỡ hàng đóng gửi cho khách.
Từ 21 giờ các tiểu thương mới được buôn bán bên trong chợ.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, tiểu thương bán hoa quả tại đây bảo, chợ mở muộn nên hai vợ chồng anh phải thuê tạm trước cửa nhà của người dân với giá 3 triệu đồng/tháng để đỗ xe, hạ hàng. Không chỉ mình nhà anh thuê mà xung quanh đây, đã có cả chục tiểu thương phải thuê như vậy. Sau đó, đến 21 giờ cổng mở các tiểu thương lại đánh xe vào chợ, nhưng hầu như mọi hoạt động buôn bán đã diễn ra xong. Vợ chồng anh Bùi Xuân Họ, tổ 7, phường An Tường (TP Tuyên Quang) chuyên bán dưa hấu than thở: Ở địa điểm mới, lều lán chưa có, cũng không có kho chứa hàng, dưa hấu tồn chất đống giữa trời, phủ bạt để đấy, thời tiết lúc mưa, lúc nắng làm dưa thối, hỏng rất nhiều, nhìn mà muốn khóc. Chợ hoạt động như này rất khó thu hút các tiểu thương đến kinh doanh, buôn bán.
Anh Phạm Văn Hồng, một tiểu thương ở Định Hóa (Thái Nguyên) đến mua hàng đánh giá: Việc chuyển chợ xuống đây cũng có nhiều thuận lợi cho việc đi lại vì đường giao thông to, chợ rộng nhưng phát sinh nhiều bất cập. Cổng chợ mở muộn, anh đánh xe sang không có chỗ đỗ, mỗi ngày lại lần tìm chỗ đỗ nhờ nhà dân. Đặc thù chỗ anh là 22 giờ phải có hàng tại nhà để giao cho khách. Để đóng đủ hàng, nhanh nhất cũng phải 1 tiếng đồng hồ, nếu chọn kỹ, cẩn thận thì phải 2 tiếng, đấy là còn chưa tính thời gian chở hàng về Thái Nguyên. Vì thế, cứ khoảng 4 - 5 giờ chiều là anh phải có mặt ở chợ đầu mối này nhập hàng. Còn chị Nguyễn Thị Nga, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) lo lắng bảo, chị xuống nhập hàng hoa quả và rau củ về bán, nhưng chợ mở muộn, việc mua bán diễn ra bên ngoài cổng chợ lại cạnh đường QL 2 tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Sự vào cuộc của các cấp chính quyền
Nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập cho các tiểu thương, ông Nguyễn Xuân Long, Phó trưởng Phòng Quản lý Đô thị thành phố Tuyên Quang cho biết: Phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng vận động, nắm bắt tâm tư của các tiểu thương; chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường… Hiện có 8 cán bộ được phân công trực tiếp quản lý, theo dõi hoạt động tại chợ, chịu trách nhiệm theo từng ngành hàng. Các cán bộ sẽ hướng dẫn, nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm túc các nội quy, quy định đảm bảo an ninh trật tự. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, hàng ngày có 3 nhân viên của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang đến thu gom rác thải.
Đối với thời gian mở cửa chợ muộn gây bức xúc cho các tiểu thương có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là nếu mở cửa sớm, các tiểu thương đánh xe công-tơ-nơ đổ về ồ ạt vào giờ cao điểm là từ 17 giờ - 19 giờ. Khung giờ này chập choạng tối, khó đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, sau khi chợ hoạt động được 1 tuần, Phòng đã cử cán bộ xuống họp với các tiểu thương để lắng nghe, lấy ý kiến, tìm hiểu những bất cập phát sinh trong tuần qua để làm báo cáo tổng hợp trình UBND thành phố. Đối với các lều lán trong chợ, thời gian tới, Phòng xây dựng phương án để xin kinh phí làm mái tôn rộng. Về lâu dài, khi chợ hoạt động ổn định, ngày càng phát triển, chợ có thể mở rộng ra vùng đất trống xung quanh.
Gửi phản hồi
In bài viết