Khẳng định vai trò của các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Di tích Đoan Môn thuộc Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Tham dự tọa đàm có các đại biểu đến từ Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đại diện tỉnh Ninh Bình - một trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản văn hóa.

Chương trình tập trung thảo luận hai chủ đề chính. Đó là vai trò của các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thông qua ý kiến chia sẻ của các khách mời từ nhiều góc nhìn khác nhau, tọa đàm đã góp phần làm rõ hơn vai trò của các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cũng như sự cần thiết của việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ bảy. Dự kiến, dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tám vào cuối tháng 11/2024.

Công tác xã hội hóa, trong đó có xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thu hút mọi nguồn lực, thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Chủ trương này đã được thể chế hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách; qua đó đã đóng góp tích cực vào những thành tựu trong lĩnh vực văn hóa-xã hội của đất nước thời gian qua.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ bảy. Dự kiến, dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tám vào cuối tháng 11/2024.

Một trong ba chính sách được tập trung sửa đổi trong dự thảo Luật là tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều này được đánh giá là đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 khẳng định quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, tạo thêm nguồn lực bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định cụ thể cơ chế, chính sách, trong đó dành riêng một điều về xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo nhận định của các chuyên gia tham dự tọa đàm, điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc khuyến khích và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; mà còn tạo niềm tin và động lực để cả xã hội chung tay chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa. Qua đó, huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước để cùng với nguồn lực Nhà nước bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương cũng như đất nước nói chung.

Nếu dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, để thi hành một cách hiệu quả, các đại biểu cho rằng, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cũng như cụ thể hóa các quy định trong dự thảo Luật này, đồng thời điều chỉnh các quy định pháp luật khác có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ.

Ngay trong điều khoản thi hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng có quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư…

Đặc biệt, phải quy định nội dung, cơ chế về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên để họ muốn làm và được làm; đồng thời có cơ chế kiểm soát, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm hoặc khó khăn, vướng mắc, từ đó chấn chỉnh, khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ý kiến chia sẻ của các khách mời từ nhiều góc nhìn khác nhau đã làm rõ vai trò của các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cũng như sự cần thiết của việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, các đại biểu đưa ra những kiến nghị, đề xuất xác đáng để các quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra những tác động tích cực đối với thực tiễn hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục