Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Ngày 16/11, tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao Đông Anh (Hà Nội), Hội Di sản văn hóa Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2024) và 20 năm thành lập Hội (2004-2024) với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan, cùng đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu về di sản văn hóa, hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Tiết mục nghệ thuật biểu diễn chào mừng tại Lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: Cách đây 79 năm, ngày 23/11/1945, trong bối cảnh đất nước mới giành được độc lập, với muôn vàn khó khăn về đối nội và đối ngoại của một nhà nước non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của chính thể mới về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đặt nền móng, kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa nước nhà.

Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử của Sắc lệnh số 65/SL, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg, lấy ngày 23/11 là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Kể từ đó, ngày 23/11 trở thành ngày truyền thống của ngành di sản văn hóa, ngày hội của những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và những người tâm huyết với di sản văn hóa.

Hằng năm, đến dịp này, từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước đều tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng nhằm quảng bá di sản văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ di sản văn hóa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, 79 năm qua, cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được coi trọng và quan tâm. Hệ thống pháp luật về di sản văn hóa không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước.

Đến nay, cả nước đã xếp hạng được hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.621 di tích quốc gia, 130 di tích quốc gia đặc biệt, trên tổng số hơn 40.000 di tích, khoảng 7.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 534 di sản đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể; 9 di sản tư liệu, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Từ một vài bảo tàng được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, hiện nay, hệ thống bảo tàng Việt Nam đã có 127 bảo tàng công lập, 70 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản trên 4 triệu hiện vật. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 294 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

“Chúng ta có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc và tự hào về những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Đó là nguồn động viên to lớn đối với mỗi chúng ta, giúp chúng ta càng thêm yêu và trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Trong bối cảnh vai trò của quần chúng nhân dân, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân trong xã hội ngày càng có ý nghĩa quan trọng, trở thành một lực lượng không thể thiếu trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, việc ra đời của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là một nhu cầu khách quan, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và tâm huyết với di sản văn hóa.

Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, kể từ khi chính thức ra đời vào ngày 23/4/2004 theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội Vụ, trải qua 20 năm hình thành, phát triển, từ một vài tổ chức và vài trăm hội viên buổi đầu thành lập, đến nay Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã xây dựng được hệ thống tổ chức tương đối rộng khắp từ Trung ương đến địa phương với gần 200 tổ chức thành viên và gần 20.000 hội viên, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và lan tỏa tình yêu di sản văn hóa.

Trong tất cả các hoạt động, Hội luôn lấy cộng đồng là trung tâm, khích lệ tình yêu di sản của cộng đồng. Hội cũng từng bước đẩy mạnh nhiều hoạt động phản biện xã hội trong lĩnh vực di sản văn hóa, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm khoa học xung quanh những chủ đề cấp thiết về di sản văn hóa do thực tiễn đặt ra, tham gia có trách nhiệm vào việc xây dựng Luật Di sản văn hóa, đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản có liên quan về di sản văn hóa của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Quốc hội và Chính phủ.

Công tác thông tin, quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về di sản văn hóa được đẩy mạnh với các hình thức phong phú, đa dạng thông qua Tạp chí Thế giới Di sản, các cuộc thi, các cuộc trưng bày, triển lãm, xuất bản sách và rất nhiều sự kiện khác. Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam đã có bước tiến mới trong hoạt động, bước đầu đã có sự tài trợ cho một số hoạt động về di sản văn hóa.

Với những kết quả đạt được, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen, bên cạnh đó là nhiều Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành khác.

Tại Lễ kỷ niệm, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản văn hóa Việt Nam” và Bằng khen của Hội cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Hội cũng trao tặng Bằng khen cho các đơn vị trực thuộc Hội đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và công tác xây dựng Hội.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, nhiều tiết mục nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã được trình diễn.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm đã cùng dâng hương tại Đền thờ An Dương Vương-Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục