Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 đã đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95. Theo đó, 95% người nhiễm HIV được biết về tình trạng của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Hiện nay, mục tiêu thứ 3 đã đạt được 96%. Tuy nhiên, mục tiêu số 1 và số 2 mới chỉ lần lượt đạt 86% và 80%.
Học sinh trường THPT Nguyễn Văn Huyên giao lưu trong buổi ngoại khóa phòng chống ma túy.
Sau hơn 2 năm dồn lực gồng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, năm nay, các hoạt động truyền thông, tập huấn, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS đã được tổ chức trở lại. Theo bác sỹ Hoàng Thị Tuyết, phụ trách Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, các huyện sẽ đồng loạt ra quân diễu hành tuyên truyền, phát tờ rơi. Tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn có người bị nhiễm HIV; tổ chức tặng thẻ BHYT miễn phí cho người nhiễm HIV; tiếp tục phát huy vai trò của nhóm đồng đẳng trong cộng đồng...
Đến nay, số lũy tích người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 2.008 người. Trong đó số bệnh nhân còn sống chưa được điều trị là 232 người; số bệnh nhân đang được điều trị bằng ARV là 905 người; số lũy tích tử vong do AIDS là 871 người. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp tổ chức xét nghiệm nhằm phát hiện, điều trị sớm HIV cho 841 phạm nhân tại Trại giam Quyết Tiến, 221 người đang bị tạm giam tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang, 156 người đang điều trị cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trung tâm cũng tổ chức xét nghiệm cộng đồng cho 100 người tại 3 xã có nguy cơ cao là Thái Sơn, Đức Ninh, Hùng Đức (Hàm Yên). Đến nay, số mẫu dương tính phát hiện kể cả người đến xét nghiệm tại phòng tư vấn, xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là 55 mẫu. Trong đó có 10 mẫu là bệnh nhân thuộc các tỉnh lân cận như Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Học sinh trường THPT Sông Lô tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn trở thành nỗi lo của cộng đồng, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó lực lượng thanh niên phải là nòng cốt tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới. Làm rõ vấn đề này, bác sỹ Hoàng Thị Tuyết cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính có xu hướng tăng nhanh, chủ yếu trong độ tuổi từ 15-24. Trong đó tỷ lệ lây qua đường tình dục là 89,8%, qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%. Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, người lao động trẻ các các cụm, khu công nghiệp để chủ động phòng chống HIV/AIDS đang là điều cần thiết.
Với vai trò xung kích, đi đầu, những năm qua, đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh đã duy trì có hiệu quả các mô hình phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội. Cùng với đó, tăng cường tổ chức tập huấn truyền thông về phòng chống HIV/AIDS với đa dạng các nội dung như chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; người có nguy cơ cao cần xét nghiệm sớm để được điều trị, bảo vệ chính mình và người thân… Hàng năm, 100% các cơ sở Đoàn kết hợp tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trong các buổi sinh hoạt. Qua đó, nhằm cung cấp kiến thức cho đoàn viên, thanh niên về HIV/AIDS, về tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản, giới tính, tác hại của ma túy, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV trong giới trẻ...
Trong năm 2023 sắp tới, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông, các hoạt động huy động sự chung tay của cả cộng đồng trong việc giảm người nhiễm HIV, giảm người tử vong do AIDS tiếp tục được tăng cường trên địa bàn tỉnh. Từ đó nhằm thu hẹp khoảng cách trong nỗ lực hướng tới mục tiêu 95-95-95.
Gửi phản hồi
In bài viết