Đồng chí Trần Văn Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai chia sẻ: xây dựng nông thôn mới nâng cao là chương trình đòi hỏi tính đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... Có được kết quả trên là nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp bà con nâng cao nhận thức, chủ động tiếp cận sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, hình thành nên những chuỗi sản xuất liên kết như: nuôi cá giống, cá thương phẩm, chăn nuôi trâu bò, gà, trồng nấm, sản xuất cây rau màu vụ đông, trồng cây ăn quả... Nhờ đó, diện mạo của xã có sự thay đổi rõ nét. Về cơ bản, 100% các tuyến đường liên thôn, liên xóm đều đã được bê tông hóa và đều có điện thắp sáng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ 22,04 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 49,3 triệu đồng/người/năm (năm 2021). Xã chỉ còn 79 hộ nghèo đa chiều (chiếm tỷ lệ 5,2%), hộ cận nghèo là 53 hộ (chiếm tỷ lệ 3,5%).
Tuyến đường hoa mẫu của Chi hội Phụ nữ thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn).
Ông Ma Văn Lăng, Trưởng thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai cho biết: Nhờ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã đã làm tốt việc khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nên nhân dân đồng tình ủng hộ, chung tay góp công, góp sức, góp nguồn lực… tạo nên những đổi thay tích cực trên địa bàn xã.
Đóng góp vào thành công chung của địa phương, còn là sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã. Hội Phụ nữ xã Hoàng Khai đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Chị Phương Huyền Sâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hoàng Khai cho biết: Hội đã tổ chức các lớp học nghề, thành lập các nhóm phụ nữ cùng sở thích để giúp đỡ nhau vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao của đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã như gia đình chị Đặng Thị Liên, thôn Yên Mỹ 1 với mô hình tổng hợp nuôi lợn, cá thương phẩm... cho thu nhập trên 100 triệu đồng/người/năm. Mô hình chăn nuôi gà của gia đình đoàn viên Đặng Phúc Khiêm, thôn Từ Lưu, xã Hoàng Khai. Gia đình anh Khiêm hiện nay đang nuôi trên 3.000 con gà thịt với phương thức nuôi bán chăn thả, bán công nghiệp. Đầu ra chủ yếu bán buôn, xuất cho thương lái ngoài tỉnh... Hiện nay, anh Khiêm đang xây thêm chuồng trại với quy mô 2.000 con, trừ chi phí, mỗi năm việc chăn nuôi gà thịt mang lại lợi nhuận cho gia đình anh từ 180 - 250 triệu đồng/năm, hay mô hình trồng rau sạch an toàn của gia đình chị Ma Thị Tiến, thôn Yên Mỹ 1, với khoảng 1 ha trồng các loại rau cần, dưa chuột, đậu đỗ... theo mùa, cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Thời gian tới, với gần 40 ha trồng rau vụ đông, xã cũng đang tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu rau Hoàng Khai, đặc biệt là rau cần, theo hướng OCOP - sản xuất rau an toàn…
Năm 2021, Hội Phụ nữ xã Hoàng Khai cũng đã tổ chức được 3 lớp sơ cấp nghề chăn nuôi thú y và sửa chữa máy nông nghiệp cho 105 hội viên, con em hội viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo trên địa bàn xã đạt 76%. Hội Phụ nữ xã luôn tiên phong đi đầu trong việc thu gom, phân loại xử lý rác thải nhựa, xây dựng mô hình nhà sạch, vườn đẹp. Thường xuyên phát dọn, chăm sóc các tuyến đường tự quản, đường hoa mẫu... vì một Hoàng Khai sáng, xanh, sạch, đẹp.
Việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà quan trọng hơn, đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, mang đến tinh thần mới, động lực mới cho người dân trong xã, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết