Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Shutterstock
Trong dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các phương tiện truyền thông, bạn bè quốc tế đã nhìn nhận và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước; đồng thời khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...
Tờ ABC Mundial của Argentina ngày 27-4 đã có bài bình luận đậm nét về Chiến thắng 30-4-1975 của dân tộc Việt Nam với tựa đề “Việt Nam kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Bài báo viết: "Cách đây 49 năm, vào lúc 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước Việt Nam thống nhất".
Bài viết nêu rõ, kể từ thời khắc đó, Việt Nam tiến lên trên con đường tái thiết và phát triển. Bất chấp những thách thức và vết thương dai dẳng của chiến tranh, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và từng bước mở cửa với thế giới. Với chính sách đổi mới được thực hiện từ năm 1986, Việt Nam có những tiến bộ kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam rất đáng ghen tị và việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do cũng như quan hệ quốc tế đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia có vai trò quan trọng trên trường thế giới. Ngày nay, Việt Nam là một quốc gia chủ chốt ở khu vực Đông Nam Á, với nền kinh tế đang phát triển, quan hệ quốc tế mạnh mẽ và tinh thần kiên cường truyền cảm hứng cho thế giới.
Trung tâm Đối ngoại Bangladesh dịp này đã đăng tải bài viết về hiện tượng bùng nổ trong thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Việt Nam. Theo đó, hành trình kinh tế của Việt Nam suốt hơn 3 thập kỷ qua được mô tả nổi bật như một câu chuyện về khả năng phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức toàn cầu. Trong 35 năm qua, vốn FDI đăng ký của Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt trội, từ 2 triệu USD năm 1988 lên mức đáng kinh ngạc 550 tỷ USD vào cuối năm 2023. Nguồn lực đầu tư nước ngoài mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Bài báo cũng nhấn mạnh, Việt Nam cung cấp một môi trường đầu tư thuận lợi nhờ chính trị ổn định, tầm nhìn kinh tế rõ ràng, kiểm soát chính sách công bằng, rào cản đầu tư tối thiểu và cơ chế khuyến khích hấp dẫn. Nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh được thể hiện rõ qua việc ngày càng tăng thứ hạng về mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh, được củng cố bởi khung pháp lý nhấn mạnh đến hiệu quả và tính minh bạch. Với việc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và lĩnh vực dịch vụ đóng góp hơn 40% GDP, Việt Nam mang đến một thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp. Điều này được hỗ trợ thêm bởi chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng trong nước. Sự kết hợp các yếu tố nói trên đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam và tiềm năng thu được lợi nhuận đầu tư đáng tin cậy ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu.
Chung nhận định với nhiều chuyên gia kinh tế, Trưởng đoàn tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Paulo Medas khẳng định, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5,66% trong quý I-2024. Cũng theo ông Paulo Medas, trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng sang châu Á, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút lượng lớn FDI nhờ vào môi trường đầu tư ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao, thị trường nội địa lớn và nguồn nhân lực trẻ...
Trước đây, Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế là một đất nước trải qua hàng thập niên chiến tranh, có khát vọng độc lập và hòa bình mãnh liệt, là ngọn cờ đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc. Ngày nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới và phát triển vì hòa bình, tiến bộ, thịnh vượng. Những đánh giá tích cực về sự phát triển của Việt Nam trong dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng cho thấy vị thế, uy tín quốc gia được khẳng định và nâng cao; niềm tin của cộng đồng quốc tế vào thể chế chính trị, năng lực quản trị quốc gia của Việt Nam ngày càng vững chắc.
Gửi phản hồi
In bài viết