Mô hình làm việc 4 ngày/tuần đang được các nước phát triển quan tâm. Ảnh: The Independent
Theo The Japan Times, một số địa phương Nhật Bản đã bắt đầu thí điểm mô hình một tuần làm việc 4 ngày, thông qua việc cho phép người lao động lựa chọn ngày làm việc dài hơn để đổi thêm một ngày nghỉ trong tuần.
Tại tỉnh Chiba, tổng số giờ làm việc mỗi 4 tuần sẽ không thay đổi ở mức 155 giờ, bằng cách tăng số giờ làm việc trong một ngày (có thể lựa chọn mốc bắt đầu và kết thúc trong khoảng từ 7-10h đến khoảng 15-22h), người lao động sẽ có thể được thêm một ngày nghỉ trong tuần. Một số doanh nghiệp ấn định khoảng thời gian từ 10h đến 15h là "thời gian cốt lõi", yêu cầu nhân viên phải có mặt.
Theo các chuyên gia kinh tế, vì tổng số giờ làm việc sẽ giữ nguyên, sẽ không có tác động đến đánh giá tiền lương hoặc nhân sự. Thay vào đó, thời gian linh hoạt cho phép người lao động thực hiện các mô hình làm việc linh hoạt, phù hợp với lối sống cá nhân và cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thời gian làm việc linh hoạt cũng giúp thu hút được nhiều tài năng đa dạng cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại tỉnh Ibaraki, tuần làm việc 4 ngày tùy chọn đã được đưa ra từ tháng 4 này, mở rộng cho tất cả nhân viên của tỉnh, ngoại trừ giáo viên và công nhân làm việc theo ca. Sự sắp xếp này được dự đoán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiệm vụ như đón và trả con và đưa cha mẹ đến bệnh viện, cũng như cho phép nhân viên tham gia vào việc phát triển bản thân.
Việc thí điểm tại Nhật Bản không giới hạn ở những lao động có trách nhiệm nuôi dạy con cái hoặc phải chăm sóc người khác, mà mở cửa cho tất cả nhân viên như một chiến lược để thu hút và giữ chân nhân tài trong một môi trường làm việc thay đổi.
Được hình thành trong giai đoạn dịch Covid-19, mô hình làm việc 4 ngày mỗi tuần đang lan rộng ở các nước phát triển. Hồi tháng 2, Đức đã bắt đầu triển khai thí điểm với 45 doanh nghiệp, trong khi Bỉ đã đưa ra cơ chế cho phép người lao động làm việc 4 ngày nếu họ muốn mà không bị trừ lương. Kết quả công việc sẽ là yếu tố giúp các bên sử dụng lao động đánh giá người lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết