Khát vọng đổi mới và phát triển

- Sau 10 năm thành lập và phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, từ một huyện còn nhiều khó khăn, đến nay Lâm Bình đã có một diện mạo mới, hệ thống hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Những kết quả quan trọng đó tạo động lực mạnh mẽ để huyện tiếp tục có nhiều bứt phá trong tương lai.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng

Huyện Lâm Bình được thành lập theo Nghị quyết số 07-NQ/CP của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa để thành lập huyện Lâm Bình. Khi mới thành lập, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng kết nối đến trung tâm huyện và đến các khu, điểm có lợi thế phát triển du lịch. Quỹ đất sản xuất nông, lâm nghiệp ít, manh mún. Nguồn lực đầu tư phát triển hạn hẹp, chưa có chính sách đặc thù về thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, cư trú không tập trung ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Khắc phục những khó khăn đó, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo toàn diện, tạo được sự thống nhất, dân chủ, đoàn kết từ tư tưởng, nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đảng bộ huyện Lâm Bình xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân và phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thực tế của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình kiểm tra
tiến độ xây dựng các công trình trên địa bàn huyện.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đề ra, Đảng bộ huyện đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ huyện quan tâm chú trọng đó là việc đổi mới, sắp xếp bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, huyện đã thực hiện bổ nhiệm mới 215 đồng chí, bổ nhiệm lại 31 đồng chí, điều động 28 đồng chí cán bộ cấp huyện, các trường học; luân chuyển 4 cán bộ lãnh đạo các cơ quan cấp huyện về làm lãnh đạo chủ chốt cấp xã; kiện toàn 7 cấp ủy viên huyện; 54 bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên cơ sở. Huyện đã hoàn thành bố trí, sắp xếp 8/8 Bí thư Đảng ủy xã không phải là người địa phương, thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; hợp nhất một số cơ quan, đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; sáp nhập 12 thôn bản, giảm từ 76 thôn xuống còn 70 thôn; sắp xếp, dồn ghép giảm 19 điểm trường; tinh giản 21 biên chế… bước đầu đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần tiết kiệm cho ngân sách.

Để lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề: về phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện; về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai; về lãnh đạo thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú. Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công 423 đồng chí cán bộ, đảng viên cấp huyện phụ trách 423 hộ gia đình trên địa bàn huyện; Đảng ủy các xã đã phân công 2.178 đồng chí đảng viên phụ trách 7.237 hộ gia đình. Trong đó, các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện phụ trách các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Sau khi ban hành Nghị quyết, cán bộ đảng viên được phân công đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với sự thống nhất, đoàn kết, huyện Lâm Bình đã giành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Huyện thực hiện thắng lợi 16/16 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, trong đó 15 chỉ tiêu vượt Nghị quyết. So với đầu nhiệm kỳ, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, chuyển dịch đúng hướng và phát triển tương đối đồng đều ở tất cả các xã; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp được nâng lên; du lịch có nhiều khởi sắc và trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện. 

Diện mạo mới

Mặc dù gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu thành lập nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình luôn đoàn kết và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi mặt. Trong 10 năm, huyện Lâm Bình huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại trung tâm huyện và các xã. Diện mạo trung tâm huyện lỵ Lâm Bình có nhiều đổi thay, nông thôn có nhiều đổi mới. Huyện đã xây dựng 513 công trình hạ tầng thiết yếu tại trung tâm huyện, các xã và hệ thống giao thông kết nối. Các công trình giao thông huyết mạch, kết nối quan trọng như đường giao thông trung tâm huyện, đường Thổ Bình - Bình An - Lăng Can - Khuôn Hà - Thượng Lâm - Bến Thủy, đường Hồng Quang - Bình An, đường Lăng Can - Xuân Lập, đường từ xã Phúc Yên đi xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cầu vượt suối... được đầu tư làm mới bảo đảm giao thông kết nối liên hoàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương phát triển kinh tế của nhân dân.

Toàn cảnh trung tâm huyện Lâm Bình.

Sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được giữ vững và có bước phát triển, an ninh lương thực được bảo đảm, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 7%/năm. Toàn huyện có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, đã có 10 sản phẩm của huyện được chứng nhận OCOP. Huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: lạc, dê, trâu vỗ béo, rau hữu cơ... Huyện đã thu hút Dự án nuôi cá tầm với số vốn đầu tư 375 tỷ đồng, tiếp tục duy trì và phát triển trên 230 lồng cá trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Tổng sản lượng khai thác thủy sản hàng năm tăng từ trên 300 tấn/năm (năm 2015) lên trên 400 tấn/năm (năm 2020). 

Giai đoạn 2011 - 2020, mô hình giao khoán bảo vệ kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng phòng hộ ở khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình được thực hiện. Toàn huyện đã giao khoán trên 2.000 ha rừng phòng hộ khu vực ven hồ sinh thái Na Hang -  Lâm Bình cho 50 hộ gia đình bảo vệ kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, thu nhập bình quân trên 75 triệu đồng/hộ/năm. Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng được chú trọng, góp phần đưa huyện Lâm Bình là một trong các huyện có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, đạt trên 78%.

Kinh tế du lịch có nhiều khởi sắc và đang trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện. Huyện đã xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái khu vực hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, Lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Huyện đã quan tâm khôi phục và duy trì các lễ hội, ngày hội văn hóa, các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, nghề truyền thống… của các dân tộc trên địa bàn. Khách du lịch đến huyện tăng nhanh, năm 2011, huyện đón khoảng 2.000 lượt khách, doanh thu xã hội đạt khoảng 0,8 tỷ đồng thì đến năm 2020 tăng lên trên 107 nghìn lượt khách, doanh thu trên đạt 64,2 tỷ đồng.

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 71,12% (2011) xuống còn 31,44%. Giáo dục, y tế được quan tâm đặc biệt, cơ sở vật chất được đầu tư mở rộng đã nâng cao chất lượng dạy học, khám chữa bệnh trong nhân dân.    

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện; phát triển cây trồng, giống vật nuôi có lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững… Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm này, huyện Lâm Bình sẽ đồng loạt thực hiện một số các giải pháp cơ bản nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở các khu, điểm du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có gắn với bảo tồn văn hóa. Đặc biệt, tiếp tục giao việc mới, việc đột phá cho cán bộ từ huyện đến cơ sở nhằm phát huy tinh thần chủ động, tạo dựng sự đoàn kết trong nhân dân, góp phần đưa Lâm Bình sớm thoát khỏi huyện nghèo.

                                                                                                                                   Thu Trang


Đồng chí Vân Đình Thảo
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ngay sau khi thành lập, huyện Lâm Bình đã xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn, đặc biệt là quy hoạch xây dựng xã Lăng Can trở thành đô thị loại V; quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, phát triển du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhờ tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, Lâm Bình đã huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, tạo tiền đề để xã Lăng Can đạt các tiêu chí đô thị loại V, trở thành trung tâm huyện lỵ Lâm Bình; nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.



Đồng chí Nguyễn Văn Việt
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Lâm Bình đã đi đúng hướng trong việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng của huyện thành hàng hóa. Huyện cần tiếp tục thực hiện tốt công tác khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất. Trong khảo sát, quy hoạch cần chú ý tới loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm tập trung, thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện như: rau đặc sản, lợn đen, dê núi, cá đặc sản, chè Khau Mút… Cùng với đó, huyện cần thành lập các hợp tác xã theo nhóm, ngành sản xuất; sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa, nâng cao giá trị. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, huyện cần mở rộng quy mô phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Phát huy sức mạnh cộng đồng, hình thành nhiều ý tưởng sản phẩm nông nghiệp đặc sản, được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP, hình thành các thương hiệu nhãn hiệu cung cấp ra thị trường và phục vụ cho phát triển du lịch của huyện.



Đồng chí Hà Trung Kiên
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính

Huyện Lâm Bình đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư công để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã xây dựng được nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thu ngân sách, hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu thu ngân sách của tỉnh trong nhiệm kỳ qua.



Đồng chí La Đăng Tái
Phó Giám đốc Sở Y tế

Sau 10 năm thành lập, ngành Y tế huyện Lâm Bình đã từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Mạng lưới y tế cơ sở đã được hình thành rộng khắp với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngày càng đồng bộ, hiện đại hơn, nhờ đó chất lượng, hiệu quả phục vụ được nâng lên. Đến nay, 8/8 trạm y tế xã đều đã đạt quốc gia, góp phần thực hiện tốt tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới.  Trung tâm Y tế huyện được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nhiều trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư như siêu âm 3D, nội soi tai mũi họng, phẫu thuật nội soi... đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.



Bà Nguyễn Thị Hằng
Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo

Từ một huyện nghèo với đa số những phòng học thiếu thốn về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục còn hạn chế, tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều, nhờ sự đầu tư của Nhà nước cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, đến nay, giáo dục của huyện đã đạt những kết quả nhất định. Huyện đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng mô hình trường học bán trú, tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số được học tập tốt nhất. Đầu tư xây mới được 182 phòng học, nhà hiệu bộ và phòng chức năng, kinh phí đầu tư trên 90 tỷ đồng. Cùng những chính sách đầu tư cho giáo dục như: hỗ trợ tiền bán trú, miễn, giảm học phí… Đến nay, huyện đã có 11/23 trường đạt chuẩn quốc gia, 8/8 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ tốt nghiệp THPT của huyện 2 năm trở lại đây đạt 100%. Thời gian tới, huyện cần tiếp tục dồn ghép điểm trường để nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý giáo dục; bố trí sắp xếp phát triển mạng lưới trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS để tập trung dạy học hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục