Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Đồng chí Nông Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Khau Tinh cho biết, xã có 4 thôn với 375 hộ, trên 1.700 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông, Tày sinh sống. Từ việc lồng ghép nguồn vốn Chương trình 135; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; vốn xây dựng nông thôn mới… nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được đầu tư xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn xã Khau Tinh có nhiều thay đổi.
Các công trình hạ tầng thiết yếu như trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng khang trang; hệ thống trạm truyền thanh thường xuyên phản ánh những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi tư duy của người dân. Trước đây, người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp thì nay đã thay đổi tư duy sang sản xuất hàng hóa, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả lao động, tiêu biểu như mô hình trồng chanh, bưởi, rau trái vụ, mô hình nuôi ngựa, dê, trâu bò vỗ béo…
Cán bộ xã Khau Tinh tuyên truyền vận động người dân chỉnh trang nhà cửa, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Là hộ đầu tiên chăn nuôi ngựa, anh Vi Văn Lượng, thôn Khau Tinh chia sẻ, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh thấy mô hình nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân vùng cao, năm 2013 anh đến tỉnh Cao Bằng mua 3 con ngựa về nuôi. Với nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu mát mẻ, ngựa phát triển tốt, ít bị bệnh. Lứa ngựa đầu tiên bán có lãi, gia đình quyết định trồng 1 ha cỏ VA 06 mở rộng quy mô chuồng nuôi, có thời điểm gia đình nuôi 26 con ngựa. Hiện anh duy trì chăn nuôi 6 con ngựa sinh sản. Theo anh Lượng, ngựa dễ nuôi, ít bị bệnh, ngựa giống và ngựa thịt rất dễ bán, ở thời điểm trâu, bò xuống giá khó tiêu thụ thì ngựa vẫn có đầu ra ổn định. Thời điểm này, ngựa giống có giá 40 - 50 triệu đồng/con 2 năm tuổi. Nhận thấy mô hình nuôi ngựa hiệu quả, đã có 6 hộ trong xã phát triển mô hình nuôi ngựa với tổng đàn toàn xã hơn 40 con.
Để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, xã Khau Tinh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và huy động vốn xã hội hóa xây dựng công trình hạ tầng cơ sở. Hiện nay, xã còn 29 nhà tạm, trong đó có 10 nhà được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây mới, còn lại 19 nhà đã tự bố trí kinh phí xây dựng nhà mới, phấn đấu đến hết năm 2022 xã không còn nhà tạm.
Quyết tâm về đích đúng hẹn
Đến năm 2022, xã Khau Tinh mới đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới: quy hoạch, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin tuyên truyền, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự xã hội. Còn 8 tiêu chí chưa đạt là giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm.
Người dân xã Khau Tinh trồng bí thơm mang lại hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, xã còn 7 km đường giao thông thôn Tát Kẻ chưa được bê tông hóa, để thực hiện bê tông hóa tuyến đường này, UBND huyện Na Hang đã đề nghị cấp kinh phí từ Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Từ Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất tuyến đường dây 0,4 km đang được đơn vị thi công gấp rút triển khai kéo điện vào thôn Tát Kẻ, dự kiến sẽ hoàn thành và đóng điện trong tháng 8. Xã còn 2 thôn Khau Tinh và Tát Kẻ chưa có nhà văn hóa, thời gian tới xã tiếp tục vận động nguồn vốn xã hội hóa thực hiện xây dựng. Theo rà soát trên địa bàn xã còn hơn 239/375 hộ chưa có nhà tiêu, nhà tắm đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Để thực hiện tiêu chí này, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã giao cán bộ công chức, viên chức xã phụ trách các nhóm hộ, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn từng hộ thực hiện, phấn đấu hoàn thành tiêu chí này trong năm 2022.
Ngoài những tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã Khau Tinh xác định tiêu chí thu nhập là tiêu chí khó, đến nay thu nhập bình quân đầu người xã mới chỉ đạt 31 triệu đồng/người/năm. Để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án, xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất; định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Trong năm 2022 xã đưa vào trồng 3,5 ha bí thơm, 7 ha bí đỏ, 2 ha rau trái vụ, 6 ha lạc và phát triển trồng 15 ha cây ăn quả gồm bưởi, mận, hồng, chanh, cam. Từ nay đến năm 2023 xã tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm các cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như cây dâu tây, sâm… Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đến nay, toàn xã có gần 40 con ngựa, 584 con trâu, 98 con bò và 2 lồng cá sản lượng đạt 10 tấn mỗi năm. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập, xã tăng cường phối hợp với các công ty tuyển dụng lao động trong và ngoài nước giới thiệu việc làm cho người dân, từ đó đã có hơn 130 người đi lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Còn hơn 1 năm nữa để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, song trên địa bàn xã Khau Tinh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đất sản xuất chủ yếu là đồi núi, khó canh tác. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, Khau Tinh sẽ về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Gửi phản hồi
In bài viết