Không vì huy chương cài trên ngực
Người dân thôn 4, xã Trung Trực (Yên Sơn) đến giờ vẫn nhắc câu chuyện ông bộ đội Cụ Hồ bỏ tiền ra làm đường để bà con đi lại. Ông bộ đội Cụ Hồ ấy là ông Đào Xuân Lư.
Năm 2005-2006, tuyến đường từ trung tâm thôn vào khu vực Khuôn Lù chỉ là con đường đất, những ngày mưa gió, bùn sục lên, dính quánh lấy bước chân người. Khuôn Lù là mảnh đất cuối thôn, cả khu vực gần 20 hộ dân, chủ yếu là nông dân nghèo. Nhà ông Lư ở gần đường, ngày nào cũng nhìn lũ trẻ con lội bùn đi học. Ông bảo gần 20 năm trong quân ngũ, khi trở về nhà thì con cái đã lớn cả rồi, niềm vui được nhìn thấy con đi học, đến lớp đến trường không có, nên giờ nhìn lũ trẻ trong làng tíu tít gọi nhau đi học hàng ngày, ông vui như thể được nhìn con cháu mình vậy.
Đứa nào khỏe tay, khỏe chân bám bùn thì đến lớp đúng giờ. Đứa nhỏ hơn, yếu hơn, chuyện ngã dúi dụi, lấm lem bùn đất phải quay về nhà thay quần áo là chuyện cơm bữa. Nên giờ nhìn lũ trẻ con như thế, ông Lư xót xa lắm. Vợ chồng ông quyết định bỏ tiền túi thuê máy ủi về ủi đất, mở con đường rộng hơn. Ngày đấy, cả công cả máy hết gần 200 nghìn đồng. Số tiền này, so với mức thu nhập của người nông dân lúc bấy giờ lo được biết bao việc. Nhưng ông không tiếc. Cũng may, vợ ông, bà Hoàng Thị Phụng ủng hộ hết mình.
Ông Đào Xuân Lư.
Thấy ông làm, người hiểu chuyện cảm mến bao nhiêu, thì người không hiểu chuyện dè bỉu bấy nhiêu. Họ bảo vợ chồng ông hâm, lo chuyện bao đồng, tự bỏ tiền ra làm đường để được Nhà nước tặng tấm Bằng khen to bằng cái chiếu về treo trong nhà... Bà Phụng kể, nghe nhiều người dè bỉu, mình suy nghĩ lắm. Bảo với chồng hay thôi, để trưởng bản kêu gọi người góp công góp sức mở đường. Nhưng mỗi ngày qua đi, “cha chung không ai khóc”, lũ trẻ cứ dúi dụi lấm lem đến trường, sách vở lẫn trong bùn trong đất, bà tặc lưỡi. Thiên hạ nói gì thì mặc, vợ chồng ông bà không hổ với lòng mình là được.
Con đường từ trung tâm thôn vào đến khu vực Khuôn Lù được mở rộng ra gần 3 mét. Vẫn là con đường đất, nhưng đã được máy móc lấp đầy những ổ gà ổ voi và miết lại cho bằng, cho mịn. Xe máy xe đạp đi lại phăm phăm. Lũ trẻ con được đi học trên con đường đẹp đẽ ấy, ngày nào qua nhà cũng hô toáng lên tiếng chào ông Lư, chào bà Phụng con đến lớp! Ông bà bảo, với người già, đây là món quà quý giá hơn vạn lần tấm Bằng khen.
Năm 2015, chương trình Bê tông hóa đường giao thông nông thôn được tỉnh triển khai đến tất cả các thôn bản. Đường vào Khuôn Lù cũng được thảm một lớp bê tông phẳng phiu. Công này, một phần nhờ người lính cụ Hồ ...
Điểm tựa
Ông Đào Xuân Lư được dân tin yêu, bầu chọn là người có uy tín của thôn bản từ năm 2017. Việc làng, việc xóm, ông Lư đều nỗ lực hết mình.
Không chỉ tham gia hòa giải mâu thuẫn xóm giềng, chồng vợ, dẫu đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn hiến hết sức mình cho việc chung, nhất là trong hoàn thiện hạ tầng giao thông. Ông bảo, thôn 4 mình vốn là đất thuần nông 100%, không gì có thể thay đổi cuộc sống bà con tốt hơn là việc đi lại thuận lợi, ruộng vườn được tưới tiêu, thu hái nhanh gọn.
Tuyến đường vào vùng sản xuất hàng hoá của người dân thôn 4 xã Trung Trực (Yên Sơn) chuẩn bị được bê tông hoá nhờ một phần công sức vận động của ông Đào Xuân Lư
Năm nay, tuyến đường bê tông nội đồng của thôn được xây dựng. Cả tuyến đi qua đất của 12 hộ dân. Đường đất vốn chỉ rộng khoảng 2 mét, giờ có kế hoạch mở rộng ra 5 mét, thì việc hiến đất để hoàn thành là điều bắt buộc phải làm.
Khi họp bàn làm đường, bà con phản đối lắm. Nhiều người bảo, muốn bà con bỏ phần đất riêng ấy ra làm đường chung, thì cũng phải đền bù, hỗ trợ lại cho bà con chứ. Tấc đất tấc vàng, ông hiểu điều ấy, nhưng ông cùng cán bộ thôn, cán bộ xã đến từng nhà giải thích, Nhà nước đã cho xi măng, cấu kiện rồi, mình chịu mất đi ít đất, rồi mấy nữa con đường hoàn thành, bà con không phải gò lưng gánh thóc từ ruộng ra đường nữa mà có xe đến tận chân ruộng chở thóc lúa về nhà, tội gì... Rồi tới đây, đường lớn mở ra, bà con mình không chỉ trồng cây ngô cây lúa nữa, mà sẽ trồng thêm dưa thêm bí, có phải tốt hơn không?
Nói phải củ cải cũng nghe. Ông Ma Xuân Tới có ao cá ngay đường đi, cũng sẵn sàng lấp một phần ao để thôn mở đường. Ông bảo, cũng tiếc đất chứ, nhưng nếu không mở đường thì tiếc công tiếc sức mình, rồi công sức con cháu mình hơn. Giờ làng cần đất đến đâu, ông sẵn sàng hiến đến đấy...
Đây cũng là tuyến đường nối khu ruộng bên này với bên kia của thôn, nhưng “mắc” phải một con suối nhỏ. Ngày còn khỏe, bố con ông Lư vần đá xếp thành mố 2 bên, rồi chặt tre làm cầu bắc qua. Lũ cuốn cây cầu này, bố con ông lại hò nhau làm cây cầu khác. “Bố cách mạng lắm, không tiếc sức mình vì việc chung”, mấy người con ông vẫn trêu ông như thế.
Ông Đào Xuân Lư bảo, không dễ gì mà suốt nhiều năm liền, mình được bầu chọn là người có uy tín. Thứ uy tín này được ông chắt chiu từ bản chất người lính cụ Hồ, của người đảng viên, không thứ gì có thể làm mất hay phai nhòa đi được. “Không cách mạng thì không phải là mình nữa!” – Ông Lư cười, bảo thế.
Bí thư Đảng ủy xã Trung Trực Đồng Văn An chia sẻ, những người đảng viên, người có uy tín ở thôn bản như ông Đào Xuân Lư là hạt giống tốt cần nhân rộng lắm.
Gửi phản hồi
In bài viết