Mang rau lên núi
Được thiên nhiên ưu ái, thôn Cao Đường nằm ở độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm, Cao Đường được ví như “Sa Pa” của huyện Hàm Yên. Nhưng sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa vào tháng 10, ruộng đất của bà con thường bị bỏ không qua cả mùa đông. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, trên những thửa ruộng ấy đã bắt đầu xuất hiện những ruộng rau màu tươi xanh.
Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng rau, chị Nông Thị Yến, Giám đốc HTX không khỏi bồi hồi khi nhớ lại chặng đường đầy gian nan, thử thách của những ngày đầu bắt tay vào vận hành hoạt động HTX. Chị Yến tâm sự, thôn Cao Đường là thôn cao nhất và nằm cách trung tâm xã Yên Thuận hơn 9 km, dù đã được nhà nước đầu tư làm đường bê tông nhưng do nằm trên núi cao, đường đi nhiều đèo dốc cao nguy hiểm. Thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống. Đồng bào nơi đây chỉ quen trồng lúa, trồng ngô và một vài cây màu trên nương nên mọi thứ dùng làm thức ăn hầu hết được khai thác từ rừng, vườn quanh nhà hầu hết bỏ hoang vì họ chưa quen với việc tự trồng các loại rau màu trong vườn nhà. Do đó, để thay đổi tập tục là chuyện không hề đơn giản và cần phải có thời gian.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã kiểm tra khu sản xuất rau bắp cải của HTX.
Nhận thấy tiềm năng của mảnh đất Cao Đường thích hợp để trồng các loại rau xứ lạnh, trái mùa, nên chị Yến đã phối hợp với chính quyền xã Yên Thuận vận động người dân đặc biệt là người dân thôn Cao Đường cùng tham gia trồng rau để thay đổi nếp nghĩ sống dựa vào rừng, khai thác tối đa đồng đất và cùng đồng lòng làm giàu từ trồng rau.
Bằng sự chịu khó tìm tòi, học hỏi cùng nhận được sự trợ giúp của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, tháng 3-2021, Hợp tác xã Rau - Thảo dược Cao Đường được thành lập với 8 thành viên tham gia. HTX đã thuê lại gần 20 sào đất của người dân sở tại rồi chị cùng các thành viên HTX trực tiếp lăn xả ngoài đồng, vận động, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ.
Chỉ tay về phía cánh đồng rau xanh ngắt trước mặt, chị Yến bảo, trước đây khu vực này là cánh đồng sản xuất lúa một vụ, năng suất chưa đến 2,5 tạ/sào. Khi mới bắt đầu trồng rau kỹ thuật chưa có, đồng đất còn bạc màu vừa trồng rau vừa cải tạo nên năng suất rau quả không cao. Sau khi vừa trồng, vừa rút kinh nghiệm, sử dụng thuốc sinh học, phân hữu cơ nên cây trồng dần tốt lên. Có được những luống rau xanh mướt như hôm nay là công sức của chị cùng các thành viên cũng được đền đáp xứng đáng. Năng suất, chất lượng vụ sau cao hơn vụ trước.
Tuy nhiên do mới làm và để cạnh tranh cũng như tận dụng được khí hậu mát mẻ thích hợp trồng rau trái vụ, nên để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX tập trung đưa vào trồng các loại rau, quả trái vụ. Bà Lý Thị Chiêm, thành viên HTX cho biết, với các loại rau như su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua, bí xanh… thường gieo trồng chính vụ bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, nhưng khi được trồng tại Cao Đường thì bắt đầu trồng từ tháng 5 âm lịch. Hợp đất, hợp thời tiết nên rau trồng trái vụ sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh không tốn nhiều công chăm sóc. Rau trái vụ nên tiêu thụ rất thuận lợi, giá bán tại vườn cao hơn. Có thời điểm giá bắp cải, su hào, cà chua, bí xanh bán tại vườn dao động từ 10 - 25 nghìn đồng 1 kg. Cao hơn 1 - 2 lần so với trồng chính vụ.
Các thành viên HTX đã làm chủ hệ thống tưới nước thông minh.
Các thành viên HTX đã tận dụng tối đa mạng xã hội Facebook, Zalo... để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Điều đáng mừng là các sản phẩm rau của HTX đã được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Hương, Sáng Nhung… Với giá bán cao hơn rau canh tác truyền thống, nhưng rau sản xuất ra cung không đủ cầu và được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao.
Năm 2022, HTX trồng được 3 vụ rau, đạt sản lượng 48 tấn rau các loại, doanh thu đạt 336 triệu đồng - Chị Yến tự hào khoe.
Nhân lên màu xanh
Vốn khó khăn như bao gia đình Dao khác trong thôn, gia đình anh Bàn Văn Quang, thành viên HTX cho biết, khi được chính quyền địa phương vận động bà con trong thôn tham gia HTX cùng trồng rau màu để nâng cao thu nhập, nhiều người còn phân vân lắm vì chưa làm bao giờ. Nhưng anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào HTX. Anh được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc rau theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn, được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Sau 3 tháng áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, trừ chi phí mỗi sào cho thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa, anh đã bàn với gia đình mở rộng thêm 4 sào đất vườn của gia đình trồng bắp cải, súp lơ, cải đông dư… Đến nay vườn rau đã xanh tốt, hy vọng sẽ giúp gia đình anh cải thiện cuộc sống.
Các thành viên HTX phân loại cà chua trước khi mang đi tiêu thụ.
Tháng 10 vừa qua, HTX được Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh thay cho hệ thống tưới nước thủ công bằng tay, tốn nhiều công sức lao động, chi phí cao mà lượng nước phân bố không đều. Với công nghệ tưới thông minh tiên tiến nhỏ giọt, phun mưa với hệ thống lọc làm sạch nguồn nước trước khi đưa đến mặt ruộng, nên chất lượng rau được bảo đảm. Đặc biệt, sử dụng hệ thống tưới phun sẽ bảo đảm tưới đều khắp vườn rau, tạo độ ẩm thích hợp, giúp cây rau sinh trưởng và phát triển tốt; rút ngắn thời gian, tiết kiệm lượng nước tưới.
Theo ông Vi Ngọc Tấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thuận, trải qua những khó khăn, thử thách ban đầu, đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, HTX đã phát huy được hiệu quả trồng rau tại mảnh đất Cao Đường. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện về mọi mặt để đồng hành giúp HTX phát triển và mở rộng diện tích trồng rau. Từ mô hình HTX này, hội sẽ vận động nông dân hưởng ứng phong trào trồng rau sạch, góp phần nâng cao thu nhập và tạo thói quen sản xuất, tiêu dùng rau sạch trong cộng đồng.
Chị Nông Thị Yến chia sẻ, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm rau của HTX. Trên cơ sở đó ngày càng nâng cao thu nhập cho xã viên, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết