Khó chồng khó
Năm 2022, 2 sản phẩm OCOP mật ong của Hợp tác xã sản xuất Hùng Hậu, xã Thái Bình (Yên Sơn) được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Đây là chủ thể duy nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này có 2 sản phẩm được nâng hạng. Ông Trịnh Duy Hùng, Giám đốc hợp tác xã khẳng định, năm 2020, sản phẩm mật ong rừng Bình Ca và mật ong nhãn Bình Ca đạt tiêu chuẩn 3 sao. Không bằng lòng với những gì đã đạt được, các thành viên trong hợp tác xã tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong chăm sóc bảo vệ đàn ong để cho sản phẩm tốt nhất. Hợp tác xã cũng đầu tư máy móc, chuyển đổi công nghệ trong sơ chế mật đồng thời thay đổi mẫu mã bao bì, đa dạng kích cỡ đáp ứng tối ưu nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Hùng khoe, kể từ khi 2 sản phẩm mật ong được nâng hạng đã vượt lũy tre làng, vươn tới thị trường miền Nam và được các thương lái buôn thu mua xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 6 tháng đầu năm 2023, hơn 17 tấn mật được tiêu thụ, doanh thu đạt 2,3 tỷ đồng.
Được công nhận 3 sao năm 2020 cho sản phầm chè nõn Tân Thái Dương, Hợp tác xã chè Tân Thái 168, xã Tân Thành (Hàm Yên) đã đặt ra mục tiêu vươn lên 4 sao và cao hơn nữa. Ông Bàn Văn Dương khẳng định, vùng chè Tân Thành có tiếng trong tỉnh, phát triển sản phẩm của quê hương, hợp tác xã đã liên kết với người dân trong vùng phát triển mở rộng vùng nguyên liệu đồng thời thay đổi quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. HTX đã phát triển vùng nguyên liệu an toàn, chè búp tươi được thu hái đúng độ tuổi 1 tôm, 2 lá cộng bí quyết chế biến cho ra sản phẩm chè nõn chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Ông Thái khẳng định, không chỉ được nâng hạng sao, chè nõn Tân Thái Dương đã giữ vững vị trí tại Siêu thị Tuyên Quang và một số siêu thị lớn ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Sản phẩm chè nõn Tân Thái Dương của Hợp tác xã Tân Thái 168, xã Tân Thành (Hàm Yên) bày bán tại Siêu thị Tuyên Quang.
Đây là 3 trong số 6 sản phẩm OCOP được đánh giá nâng hạng, trong tổng số 191 sản phẩm OCOP của tỉnh được gắn sao. Lý giải nguyên nhân của việc số lượng sản phẩm nâng hạng quá thấp, đồng chí Nguyễn Tiến Quy, chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP cấp tỉnh) cho rằng, Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm Chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm" rất khắt khe. Cụ thể để nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn " Xúc tiến thương mại gắn với chỉ dẫn địa lý”. Trên thực tế, tỉnh mới chỉ có 4 sản phẩm đủ tiêu chuẩn và được cấp chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra còn một số tiêu chí tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm với các tiêu chí thành phần như: Liên kết chuỗi, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm... Theo đó, hoạt động sản xuất có hợp đồng liên kết từ 50% trở lên sản lượng đầu vào cho nguyên liệu chế biến và là sản phẩm đặc sản, truyền thống, chỉ sản xuất trên địa bàn, có chất lượng đặc sắc và có từ 5 đại diện, đại lý nhà phân phối sản phẩm... Với yêu cầu này sẽ rất khó cho các chủ thể, bởi phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh có nét tương đồng, sản xuất theo hộ gia đình, quy mô nhỏ, siêu nhỏ phục vụ chủ yếu là thị trường tự do... Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn hơn, sản phẩm ngoài các tiêu chuẩn của 4 sao, còn phải có câu chuyện, có thị trường xuất khẩu...
Khắt khe về tiêu chí đánh giá, còn khó khăn từ nội tại các chủ thể, hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ và các hộ sản xuất cá thể, để nâng cấp dây chuyền, máy móc mở rộng sản xuất theo chuẩn hàng hóa cần nguồn kinh phí tương đối lớn. Nên mặc dù hiểu được lợi ích từ nâng sao OCOP, nhưng nhiều chủ thể chưa đủ điều kiện để mạnh dạn đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Hợp tác xã Cường Đạt (Yên Sơn) chia sẻ, hợp tác xã rất muốn đầu tư nồi hơi, hệ thống sấy măng khô bằng điện, tuy nhiên chi phí quá tốn kém trong khi mùa măng chỉ kéo dài 2 - 3 tháng trong năm nên hợp tác xã đành duy trì công nghệ thủ công, dùng củi, than để sấy.
Chủ thể cần chủ động hơn nữa
Nhận diện rõ những khó khăn, ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan, cùng với các địa phương đã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp cận những thị trường mới thông qua công nghệ 4.0...Hỗ trợ các sản phẩm tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để gia tăng cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm mật ong Bình Ca, xã Thái Bình nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tổ chức 3 đợt cho các chủ thể của sản phẩm OCOP đi giao lưu học hỏi, kết nối thị trường tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Sơn La. Kết quả đã có nhiều chủ thể doanh nghiệp tìm kiếm liên kết với bạn hàng để mở rộng tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, Sở luôn luôn đồng hành hỗ trợ các chủ thể có nhu cầu, hoàn thiện lập hồ sơ đề nghị công nhận nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý...
Cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16-7-2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến hết tháng 6, tỉnh đã giải ngân trên 10 tỷ đồng hỗ trợ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và chứng nhận sản phẩm OCOP cho 117 sản phẩm của 98 chủ thể.
Theo ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng cùng với sự nỗ lực của tỉnh, ngành chức năng, các chủ thể cần chủ động hơn, linh hoạt, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, đổi mới quy trình, dây chuyền sản xuất nâng tầm chất lượng, nâng hạng của sản phẩm. Từ đó, tăng doanh thu, mang lại lợi nhuận cho chính bản thân các chủ thể.
Gửi phản hồi
In bài viết