Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 233 giáo viên (trong đó có 13 giáo viên hợp đồng lao động), thiếu 76 giáo viên so với Chương trình giáo dục hiện hành đang áp dụng. Đến năm học 2022 -2023, áp dụng dạy tiếng Anh bắt buộc đối với học sinh lớp 3, sẽ thiếu 121 giáo viên tiếng Anh.
Trường Tiểu học Yên Thuận (Hàm Yên) mặc dù đã có biên chế cho giáo viên tiếng Anh, nhưng chưa đủ để đảm bảo tiết dạy và được học môn tiếng Anh cho học sinh. Hiện trường có 537 học sinh, học tại 28 lớp, trong đó có 10 lớp tại trường chính, 18 lớp học tại 7 điểm trường. Cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài, giáo viên môn tiếng Anh của trường chia sẻ: Hiện nay theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo các lớp học 4 tiết tiếng Anh/tuần, song do thiếu giáo viên nên mỗi lớp chỉ được học 2 tiết/tuần, riêng các em học sinh lớp 1, lớp 2 chưa được học. Nhà trường thiếu giáo viên giảng dạy bộ môn nên công suất làm việc của cô liên tục, trong khi đó vẫn phải đảm bảo dạy tại các điểm trường bởi vậy trong quá trình giảng dạy, đi lại gặp rất nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến chất lượng cũng còn nhiều hạn chế.
Một giờ học tiếng Anh tại điểm trường Hao Bó, xã Yên Thuận (Hàm Yên).
Còn tại huyện Lâm Bình có trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều học sinh khi vào học lớp 1 nói còn chữa sõi tiếng phổ thông. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hiện toàn huyện có 12 giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học, thiếu 5 giáo viên so với Chương trình giáo dục hiện hành đang áp dụng.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập có 416 học sinh ở 20 lớp học, trong đó có 60 học sinh lớp 1, lớp 2 học tại 4 điểm trường (Nà Co, Nà Lòa, Khuổi Trang, Khuổi Củng). Năm học 2020 - 2021, nhà trường bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, với 100% học sinh là dân tộc thiểu số, thì việc học tiếng Anh gặp khó khăn. Thầy giáo Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập cho biết, do học sinh nhà trường đều là học sinh dân tộc thiểu số nên phương ngữ khi phát âm Tiếng Anh thực sự là trở ngại. Bên cạnh đó, trình độ học sinh không đồng đều. Hiện tại, nhà trường có 2 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó có một thầy giáo là giáo viên phụ trách giảng dạy cấp 2 và 1 giáo viên phụ trách giảng dạy cấp 1. Do bậc tiểu học thiếu giáo viên nên tại 4 điểm trường các em học sinh không được học môn tiếng Anh. Cùng với đó, các bậc phụ huynh ở đây còn chưa thực sự quan tâm đến việc học ngoại ngữ của các em tạo nên áp lực khá lớn đến giáo viên nhà trường. Đây là trở ngại và cũng là bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, vì cùng một khối lớp trong một trường có học sinh được học tiếng Anh, có học sinh lại không được học. Không chỉ thiếu giáo viên mà hiện nay cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là chưa có phòng học Tin học, tiếng Anh. Nhiều giáo viên chưa tích cực tự bồi dưỡng , học tập, cập nhật kiến thức, chưa đáng ứng được những yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo quy định của cấp học còn thấp.
Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học môn tiếng Anh cũng như nhiều môn học khác. Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp mạnh để hoạt động dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học đạt chất lượng. Theo đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung kịp thời việc tổ chức sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học , ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học… Đồng thời có kế hoạch tuyển dụng giáo viên tiếng Anh đáp ứng yêu cầu dạy và học môn học này ở vùng sâu, vùng xa.
Gửi phản hồi
In bài viết