Gỡ khó từ trong suy nghĩ
Hình ảnh Bí thư Chi bộ thôn Khun Vìn, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) Ma Phúc Mạnh năm nay đã 75 tuổi, vác xẻng trên vai, quần xắn đến đầu gối cùng người dân trong thôn làm mặt bằng để đơn vị thi công bê tông tuyến đường nội đồng dài hơn 200 m của thôn khiến chúng tôi rất ấn tượng.
Lau những giọt mồ hôi trên trán, ông Mạnh nói, để hoàn thành mục tiêu bê tông hóa 3 tuyến đường nội đồng dài 660 m trong năm nay được coi là nhiệm vụ khó hoàn thành, do thôn chỉ có 56 hộ nên mức đóng góp cao, diện tích giải phóng mặt bằng lớn, cùng với đó 100% người dân trong thôn là các dân tộc thiểu số nên nhận thức về chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, có nhiều ý kiến trái chiều, không đồng ý làm đường vì suy nghĩ, đường nội đồng không quan trọng, việc hiến đất mở rộng đường là không cần thiết, rồi những hộ không được hưởng lợi từ các tuyến đường trên không đồng ý đóng góp…
Tuyến đường nội đồng thôn Khun Vìn, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) đang được trải thảm bê tông.
Với phương châm “khó ở đâu, gỡ ở đó, phải làm bằng được”, ông Mạnh giao nhiệm vụ cho từng tổ chức hội, từng thành viên Ban phát triển thôn tăng cường đi từng ngõ gõ từng nhà tuyên truyền ở mọi lúc mọi nơi về cái lợi chương trình nông thôn mới. Ông Mạnh chia sẻ, chúng tôi nhận thức và hành động trên quan điểm muốn xây dựng nông thôn mới trước hết, cán bộ phải nhận thức sâu sắc để tuyên truyền cho nhân dân hiểu, nhân dân làm và nhân dân thực hiện, nhân dân hưởng lợi. Để dân tin, dân làm theo thì đảng viên phải đi đầu trong thực hiện từng phần việc cụ thể, từ đó toàn dân đồng lòng vào cuộc thì việc khó mấy cũng trở nên đơn giản. Cụ thể Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trên địa bàn toàn xã, thôn tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rằng đường giao thông thuận lợi, việc đi lại dễ dàng, nông lâm sản lưu thông thuận tiện hơn, rồi máy móc, khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất, đời sống người dân sẽ tốt hơn. Ông Mạnh chia sẻ, tư tưởng được đả thông, nút thắt được cởi bỏ, từ đó việc góp công, góp của, hiến đất làm đường được đẩy lên như một phong trào trong toàn dân. Hiện thôn đã đẩy nhanh quá trình bê tông các tuyến đường, phấn đấu hoàn thành trong tháng 10 để cùng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm nay.
Vận dụng những cách làm hay
Đối với những thôn bản vùng cao, điều kiện kinh tế còn hạn chế thì việc đóng góp tiền, của bê tông hóa đường giao thông nông thôn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với những cách làm hay những tuyến đường bê tông tại các xã vùng cao vẫn cứ nối dài.
Tuyến đường nội đồng thôn Phiêng Luông, xã Bình An (Lâm Bình) vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Sẵn sàng tháo dỡ bờ rào kiên cố, chặt bỏ những hàng chè đang vụ thu hoạch, hiến một phần đất thổ cư hay lấp đi một góc ao nuôi cá, thửa đất nông nghiệp… người dân thôn Cầu Quất, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) tự nguyện hiến đất để mở rộng trục đường nội đồng thôn dài 430 m. Đây là tuyến đường dẫn vào vùng chè của thôn cũng là tuyến đường gần nhất nối với thôn Tú Tạc và trung tâm xã. Trước đây, đường chỉ là lối mòn rộng chưa đầy 2 m, đi lại, vận chuyển nông sản khó khăn. Từ lâu người dân hai thôn đã ước mong có đường đi lại thuận tiện hơn nên ngay khi xã có chủ trương bê tông hóa tuyến đường này, người dân hai thôn đồng thuận ngay. Anh Nguyễn Đức Hậu, Trưởng thôn Cầu Quất nói, là tuyến đường đi chung giữa 2 thôn nên người dân 2 thôn cùng đóng góp làm đường, do vậy kinh phí đóng góp đã giảm đi. Việc huy động đóng góp của 2 thôn được công khai, minh bạch, hộ nào đóng và chưa đóng đều được thông tin trên loa truyền thanh của thôn, do vậy đã có tác dụng khích lệ và đẩy nhanh tiến độ đóng góp trong dân. Từ tuyến đường nhỏ hẹp nay đã được mở rộng nền đường 5 m tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thắt chặt mối đoàn kết hai thôn.
Thôn Phiêng Luông được coi là điểm sáng của xã Bình An (Lâm Bình) về thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ông Hoàng Văn Phong, Trưởng thôn Phiêng Luông cho biết, thôn có 143 hộ với 646 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Tày, kinh tế người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Để giảm khoản đóng góp tiền làm các tuyến đường giao thông nông thôn, từ năm 2020 đến nay thôn quyết định trích 50% tiền nhận giao khoán bảo vệ 668,4 ha rừng phòng hộ năm 2020 - 2021 dành cho việc làm đường giao thông nông thôn. Nhờ có số tiền này đã giảm bớt gánh nặng đóng góp cho người dân trong thôn. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 2.300 m đường nội đồng trong thôn đã được bê tông hóa. Để tạo sự đồng thuận của người dân trong việc hiến đất làm đường thôn đưa ra khẩu hiệu “lòng người rộng, đường rộng”, “lòng người mở, đường mở” để khích lệ nhân dân. Từ đó có những hộ tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất mở đường. Điển hình như hộ ông Ma Bá Sỹ hiến hơn 200 m2 đất, hộ ông Ma Công Nông hiến 200 m2 làm đường thôn…
Ông Ma Bá Sỹ (ngoài cùng bên trái), thôn Phiêng Luông, xã Bình An (Lâm Bình) hiến hơn 200 m2 đất làm đường vào vùng trồng cam của thôn.
Đứng trên con đường bê tông mới được hoàn thành dẫn lên vùng trồng cam sành của thôn, ông Phong chia sẻ, việc triển khai thi công được thực hiện theo phương châm: Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra chất lượng công trình, từ đó những con đường bê tông chắc chắn, đã dần thay cho những con đường đất gồ ghề trước kia. Đường bê tông dẫn vào đến tận chân vườn cam, không còn chuyện bị thương lái ép giá như trước nữa.
Những thôn, bản vùng cao như đang “thay da đổi thịt” bởi những con đường bê tông như những dải lụa trắng uốn lượn nối thôn với xóm kéo dài ra tận cánh đồng, bờ nương. Những con đường ý Đảng, lòng dân sẽ tạo động lực cho bà con phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Gửi phản hồi
In bài viết