Tiền tỷ từ nuôi vịt bầu
Giống vịt bầu ở xã Minh Hương được đánh giá ngon số 1 xứ Tuyên. Đây là giống vịt bản địa, được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối của cánh rừng đặc dụng Cham Chu và ăn thức ăn của núi rừng. “Mục sở thị” trang trại vịt bầu lên tới 3.000 con của vợ chồng chị Phạm Thị Vân, thôn 13 mới thấy sự khác lạ của con vịt bầu Minh Hương.
Tôi hăm hở đi vào trang trại, chị Vân nói khẽ, giống vịt này nhạy cảm lắm, có người lạ vào là sợ bỏ ăn ngay. Nếu bắt một con là cả đàn nhịn luôn vài ngày nên khi bán một là bán hết lứa trong ngày hoặc phải nhốt riêng số lượng bán sang khu chuồng cách xa nhau để chúng không nhìn thấy.
Cán bộ UBND xã Minh Hương trao đổi với chị Phạm Thị Vân, thôn 13 về cách nhận biết độ tuổi khai thác thịt vịt bầu Minh Hương.
Chỉ tay vào đàn vịt đang tung tăng bơi, chị Vân giới thiệu: Nguồn nước chảy tự nhiên từ dãy núi Cham Chu, đoạn chảy qua trang trại gần 600 m, chị quây lại để vịt bơi lội cả ngày. Có dòng suối này mới nuôi được con vịt bầu Minh Hương nổi tiếng thơm ngon. Bởi con vịt phải có nước, nếu không thì vịt hôi và xác xơ không lớn được. Toàn bộ trang trại khoảng hơn 2.000 m2, chị cải tạo thành từng khu riêng biệt. Khu chăn thả vịt thịt, khu chuồng nuôi vịt giống, úm vịt con và một khu nhà để thức ăn, vắc xin phòng bệnh. Các khu chuồng đều được chị vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo yếu tố môi trường trong chăn nuôi và phòng chống các loại bệnh phát sinh trong môi trường. Chị bảo, chăm vịt con như chăm con mọn vậy, phải luôn đảm bảo môi trường trong lành, thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông thì vịt con mới khỏe mạnh. Con giống khỏe mạnh mới có con vịt thịt ngon.
Nhận thức tầm quan trọng của con giống cũng như mong muốn duy trì giống gen vịt bầu truyền thống của đất Minh Hương, chị Vân tìm tòi kỹ thuật, đầu tư máy ấp trứng để tự tạo con giống cho gia đình và cho người dân xã Minh Hương. Nhờ đó mà giống vịt bầu Minh Hương vẫn bảo tồn được giống truyền thống, không bị lai tạo với các giống vịt của địa phương khác.
Chính sự chủ động con giống, cộng với nguồn nước suối Cham Chu và công thức thức ăn nhiều đạm từ cá ủ đã tạo ra chất lượng đặc biệt, riêng có của đàn vịt bầu Minh Hương của gia đình chị Vân. Thành công từ khi có “thương hiệu” riêng đã thôi thúc chị chăn nuôi ngày càng nhiều. Lúc bắt đầu chỉ vài trăm con nhưng đến năm 2017, khi được chứng nhận trang trại, chị nuôi lớn, thường xuyên lên đến 5.000 con vịt, chiếm 40% tổng đàn vịt bầu của cả xã Minh Hương. Chị Vân chia sẻ, hiện hàng tháng, ngoài việc cung cấp vịt giống, vịt thịt cho các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, chị thường xuyên cung cấp vịt thịt cho nhà hàng ở tỉnh Hải Dương, Hà Giang. Với giá bán khoảng 100 - 120 nghìn/kg vịt thịt, riêng hai nhà hàng này giúp chị có nguồn thu ổn định khoảng 40 - 50 triệu đồng/tháng, cộng với các khoản thu khác, năm 2020 trang trại của chị đạt doanh thu 12 tỷ đồng, lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ đồng; tạo thêm việc làm cho 3 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng để hỗ trợ chị trông coi, chăm sóc đàn vịt.
Chị Vân giờ là giám đốc HTX Vịt bầu Hàm Yên, liên kết thu mua, sơ chế và tiêu thụ cho 12 hộ gia đình trong xã với quy mô trên 10.000 con. Vịt bầu Minh Hương đã chính thức vượt ra khỏi ranh giới làng, xã, huyện, được các thị trường lớn như Hải Dương, Hà Nội đón nhận. Năm 2020, vịt bầu Minh Hương đã được chứng nhận đạt 3 sao OCOP.
Những tỷ phú nơi đất quê
Mô hình nuôi cá thương phẩm của gia đình ông Bàn Văn Quang, thôn 6 được ví như một mô hình “khởi nghiệp thành công” của nông dân Minh Hương. Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính của ông Quang có diện tích trên 2.000 m2 được cải tạo từ ruộng lầy thụt và đất vườn của gia đình. Cả khu vực được ông chia làm 6 ao, nuôi nối nhau nên thường xuyên có cá thịt cung cấp ra thị trường. Bà Vũ Thị Tự, vợ ông Quang khoe với khách, bí quyết để đạt được sản lượng cao, nuôi cá có hiệu quả, ngoài các yêu cầu về thiết kế ao nuôi, lựa chọn giống, tỷ lệ thả, chăm sóc, nuôi dưỡng thì quan trọng nhất có nguồn nước sạch. Thành công của gia đình ông là có nguồn nước tự nhiên từ núi rừng Cham Chu. Có nguồn nước sạch chảy ra vào liên tục, cá vừa sạch vừa lớn nhanh hơn nhiều. Mỗi lứa gia đình bà thu về 5 - 7 tạ, cao điểm có lứa gần tấn, tính ra mỗi năm lãi khoảng 300 triệu đồng. Dẫn chúng tôi xem cá, bà Tự bảo, cá rô phi mà thân trắng thế này là do nguồn nước chảy ra chảy vào liên tục, cũng vì sạch nên thơm thịt. Đến lúc xuất bán, thương lái tận thành phố Tuyên Quang đặt mua. Người tiêu dùng bây giờ thông minh rồi, sản phẩm không chỉ ngon mà phải đạt tiêu chuẩn sạch nên gia đình đang chuyển sang nuôi theo hướng sạch để phát triển lâu dài và bảo vệ chính môi trường sống của mình. Đảm bảo theo dõi được cá ở mọi nơi, gia đình bà đã lắp hệ thống camera theo dõi các ao nuôi, vận hành hệ thống sục khí và quạt nước trong các ao và chuyển vào các thiết bị kết nối Internet như máy tính, điện thoại để kiểm tra, điều khiển, bật tắt hệ thống sục khí, quạt nước của ao nuôi.
Anh Nguyễn Văn Hồng, thôn 10, xã Minh Hương trồng cam V2 xanh tốt nhờ có nước tưới từ khe núi Cham Chu.
2 năm qua, chính nhờ tận dụng nguồn nước suối tự nhiên nuôi cá, ông Quang sắm được xe ô tô bán tải trị giá hơn 500 triệu đồng để chở cám dịch vụ cho người dân trong xã. Ông Quang hài hước bảo, nuôi cá có 2 năm mà có xe ô tô đi, nhiều người không tin nhưng sự thật là thế. Có xe tiện cho việc chở cám, mai ngày chở cá về thành phố bán.
Cũng từ nguồn nước suối Cham Chu, anh Nguyễn Văn Hồng, thôn 10 đã xây dựng được mô hình kinh tế vườn. Anh Hồng cho biết: Ở đây tiện nước, toàn bộ nước tưới cho 5 ha cây ăn quả gồm cam V2, bưởi ngọt, bưởi da xanh, chanh được anh dòng bằng dây ống từ khe nước chảy ra núi Cham Chu. Nguồn nước sạch lại có quanh năm nên diện tích cây ăn quả của gia đình quanh năm xanh tốt. Anh bảo, “giá có thêm ít vốn anh sẽ làm hệ thống tưới tự động thì nhàn lắm! Các cụ bảo, làm nông nghiệp là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, không có nước thì không thể trồng cấy được”. Trước mắt chúng tôi là vườn cam V2 mới bước sang năm thứ 3 mà cao to như thể đã 6 năm tuổi, những quả cam xanh bóng, mọng nước căng tràn trên từng cành hứa hẹn một mùa vụ bội thu.
Chỉ vào một cây cam V2 sai trĩu quả, anh Hồng chia sẻ: “Có được vườn cam như thế này là cả một quá trình lao động vất vả và sáng tạo đấy. Muốn vườn cam phát triển tốt, cho quả nhiều và chất lượng thì phải trồng theo khoảng cách hợp lý. Vườn cam nhà tôi, cây cách cây 3 m, hàng cách hàng 3 m. Cùng với tưới nước đủ, tôi thường dùng phân trâu để bón cho cam và bón làm nhiều lần trong năm, đảm bảo cân đối giữa các thời kỳ, giúp cho cây cam sinh trưởng, phát triển tốt”.
Nguồn nước của núi rừng Cham Chu không chỉ làm giàu cho các hộ mà còn là điều kiện để phát triển của xã. Đồng chí Triệu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết: Nguồn suối Cham Chu chảy qua địa phận xã Minh Hương dài gần 20 km, đây là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của xã. Hiện xã có có trên 2.300 hộ thì có trên 1.000 hộ có mô hình kinh tế từ tận dụng được nguồn nước tưới của núi rừng Cham Chu, đạt từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng. Nguồn nước là điều kiện để xã hình hành vùng sản xuất cam hàng hóa trên 223 ha; vùng chuyên canh lúa đặc sản 365 ha, tạo sản phẩm gạo Minh Hương nức tiếng; bảo tồn và phát triển giống vịt bầu bản địa Minh Hương đạt 3 sao OCOP...
Gửi phản hồi
In bài viết