Các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô kiến nghị giảm lệ phí trước bạ 50%

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đã có công văn gửi ý kiến đệ trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ, với mong muốn được hưởng mức giảm lệ phí trước bạ 50%.

Hiện, VIVA gồm các thương hiệu Audi, Bentley, Ferrari, Land Rover, Maserati, Volvo, Subaru, Porsche...

Kiến nghị của VIVA được nêu ra chỉ ít ngày sau khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng một số địa phương có nhà máy sản xuất ô tô đồng loạt kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Theo các đơn vị trên, từ cuối quý IV-2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp, đăng kiểm khó khăn… khiến doanh số không như kỳ vọng. Với VAMA, doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1-2023 cho thấy, chỉ có hơn 17.300 xe được bán ra, giảm hơn 51% so với tháng 12-2022, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022.

Các số liệu cũng cho thấy, sản xuất và tiêu thụ ô tô của một số nhà sản xuất không thuộc VAMA hay VIVA trong giai đoạn này cũng sụt giảm. Đơn cử, Tập đoàn Thành Công (Ninh Bình), chuyên sản xuất và kinh doanh xe Hyundai, chỉ tiêu thụ 2.957 xe trong tháng 1-2023, giảm 3.732 xe (tương đương 55,8%) so với cùng kỳ năm 2022. 

Cũng theo VIVA, từ tháng 10 đến tháng 12-2022, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) đã tăng gấp ba lần, nhưng lượng bán lại giảm mạnh. Thực trạng này dẫn tới dư tồn kho diễn ra nghiêm trọng, tạo áp lực tài chính lớn. Hiệp hội này nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ phí trước bạ, chỉ một số nhà nhập khẩu và đại lý có thể trụ vững trong thời gian tới.

Thị trường ô tô năm 2023 được dự đoán sẽ suy giảm mạnh.

Các đơn vị cho rằng, tình hình dự báo còn khó khăn nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được. Một số lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô nhận định, doanh số toàn thị trường năm 2023 có thể giảm khoảng 17,5% so với năm 2022 - tương đương hơn 85.000 xe. 

Trong bối cảnh đó, các bên kiến nghị áp dụng giải pháp giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian phù hợp; đồng thời, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (theo mong muốn của VAMA là từ tháng 1 đến hết tháng 6-2023). 

Theo kỳ vọng, việc giãn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh ảm đạm. Hai chính sách kích cầu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần có chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với các loại xe thân thiện với môi trường như xe hybrid, xe điện sản xuất trong nước hoặc giảm thuế cho các nhà sản xuất linh kiện xe sản xuất trong nước. Điều này vừa phát triển công nghiệp trong nước, vừa giảm giá thành xe đến tay người tiêu dùng.

Động thái mới của các hiệp hội, nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô diễn ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023, trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được Bộ Công Thương kiến nghị tại Báo cáo số 22/2023. Các bộ trình báo cáo nội dung trên với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-3-2023.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục