Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tỉnh Sóc Trăng giúp người dân cài đặt ứng dụng VNeID. (Ảnh: TUẤN PHI)
Việc phát triển nền tảng số quốc gia giúp tối đa hóa lợi ích do công nghệ mang lại, bên cạnh đó ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro mà công nghệ có thể gây ra cho xã hội và người dân. Nền tảng số là tác nhân trung tâm của nền kinh tế số, cho phép người dùng và nhà sản xuất tương tác với nhau. Nền tảng số có mặt trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế số và là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, thời gian qua, đã có nhiều nền tảng số quốc gia được tạo lập, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp ích cho công tác quản lý xã hội. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối, liên thông với 9 cơ sở dữ liệu, 14 hệ thống quy mô quốc gia để chia sẻ dữ liệu với hơn 90 cơ quan, doanh nghiệp; trung bình một ngày có khoảng 2,4 triệu giao dịch.
Đến hết tháng 12/2022, nền tảng định danh và xác thực điện tử đã thu nhận gần 19 triệu hồ sơ, phê duyệt gần 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân. Nền tảng kỹ năng số quốc gia đã xây dựng, đang phát triển hoàn thiện nền tảng đào tạo trực tuyến (OneTouch), cung cấp các khóa đào tạo chuyển đổi số cho các đối tượng nòng cốt, đối tượng chuyên trách, cán bộ, công chức cấp xã, người dân... với các chuyên đề chuyển đổi số cơ bản, an toàn thông tin, cách tiếp cận nền tảng trong chuyển đổi số... Hiện, đã có gần 18 triệu lượt người tham gia.
Ngành y tế đang phát triển, hoàn thiện các nền tảng, như: Hồ sơ sức khỏe điện tử; quản lý trạm y tế xã; quản lý thông tin y tế (đã thí điểm tại 6/63 tỉnh, thành phố); hệ thống kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và ngân hàng dữ liệu ngành dược... Ngành giáo dục đã triển khai các nền tảng quản trị nhà trường, nền tảng quản lý học tập dùng chung miễn phí cho giáo dục phổ thông; đầu tư xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến dùng chung (MOOCs) và xây dựng các khóa học trực tuyến ở một số nhóm ngành: Kỹ thuật và công nghệ; kinh tế; kinh doanh và quản lý; khoa học tự nhiên; thủy sản; nông nghiệp..., dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023; hệ thống điều hành điện tử kết nối với 63 sở giáo dục và đào tạo và hơn 300 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nền tảng Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản được xây dựng, vận hành, liên thông với nhiều địa phương trên cả nước (9/63 tỉnh, thành phố) và đang tiếp tục mở rộng. Hiện, đã có hơn 3.460 mã truy xuất sản phẩm nông sản thực phẩm được cập nhật.
Thực tế sử dụng dịch vụ trên các nền tảng vẫn có tình trạng người dân không hài lòng hoặc gặp lỗi khi thực hiện, có thể là do lỗi thiết bị đầu cuối của người sử dụng dịch vụ, lỗi kết nối mạng của người dùng, lỗi kết nối, chia sẻ dữ liệu... Vì vậy, chất lượng cung cấp dịch vụ đòi hỏi phải luôn được nâng cao, đáp ứng nhu cầu và hiệu quả cho người sử dụng.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng: Các nền tảng số không được bỏ sót những nhu cầu sát sườn, liên tục biến đổi của nhóm người sử dụng. Các đơn vị, địa phương phối hợp phổ cập, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số quốc gia cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn một cách nhanh nhất. Khi người dân sử dụng các nền tảng số, phải thỏa mãn được nhu cầu của họ. Điều này cần sự vào cuộc, tiên phong của các doanh nghiệp công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay, đã triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các nền tảng số Việt Nam, đã tiến hành thúc đẩy, tuyển chọn công bố trên 20 nền tảng số xuất sắc và đưa ra chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi lên môi trường số. Hết năm 2022, đã có hơn 423.505 doanh nghiệp tiếp cận, tham gia; 61.612 doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng số. Năm 2022, đã tiến hành đánh giá, tuyển chọn, công nhận 12 nền tảng số đạt tiêu chí xác định thí điểm nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân. Các nền tảng này đã được công bố, khuyến khích người dân sử dụng trên cổng thông tin congdanso.vn và triển khai các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng số cho người dân thông qua mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng.
Các nền tảng số đã được các bộ, ngành, địa phương xây dựng, phát triển bước đầu đã hình thành các nền tảng số quốc gia phục vụ doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Một số ngành, lĩnh vực đang chuyển đổi cách tiếp cận phát triển hệ thống, tích hợp trước đây sang phát triển theo cách làm nền tảng dùng chung.
Gửi phản hồi
In bài viết