Đấu giá công khai quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 24-2-2023, đã thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.300-2.400MHz để phục vụ triển khai cung cấp dịch vụ 4G, 5G. Theo quy định, các nhà mạng có thời gian 55 ngày để thực hiện thủ tục, quy trình đấu giá với băng tần này.

Kỹ sư Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) bảo dưỡng trạm BTS,
bảo đảm cung cấp dịch vụ 4G, 5G phục vụ khách hàng.

Băng tần 2.300-2.400MHz (2,3-2,4GHz) là băng tần tầm trung, có giá trị thương mại cao được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch dành cho phát triển mạng và dịch vụ 4G. Theo các quy định của pháp luật, băng tần này được cấp phép cho doanh nghiệp theo hình thức đấu giá. Thông thường, băng tần này sẽ được tổ chức đấu giá sớm, sau thời điểm các nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G trên toàn quốc (năm 2017). Tuy nhiên, do các quy định về pháp lý chưa đầy đủ, phải đợi đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 1-10-2021 quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, và đặc biệt là Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (tháng 11-2022), việc tổ chức đấu giá mới được tiến hành.

Thực tế, để cung cấp dịch vụ 4G tới khách hàng, các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã triển khai trên băng tần 1.800MHz, 2.100MHz dành cho 2G, 3G. Viettel nhiều lần kiến nghị về việc băng tần không đủ cho phát triển thuê bao 4G; MobiFone cũng từng lên tiếng về tình trạng nhiều thời điểm bị “nghẽn” mạng 4G. Ngoài thực hiện giải pháp triển khai 4G trên tần số của các công nghệ khác thì năm 2022, Viettel đã tiên phong tổ chức tắt 35.000 trạm 3G trên toàn quốc để dành nguồn lực tần số phát triển 4G. Như vậy, việc cơ quan quản lý công bố phương án đấu giá băng tần 4G có ý nghĩa quan trọng với nhà mạng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, thông báo về việc tổ chức đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz của Bộ Thông tin và Truyền thông là thông tin được các nhà mạng mong chờ từ lâu. Các doanh nghiệp này cũng đã thành lập tổ công tác để tham gia đấu giá. Chẳng hạn, Viettel đã lập ngay ban điều hành đứng đầu là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn, cùng 2 phó tổng giám đốc và các tổ giúp việc kỹ thuật, kinh doanh, đầu tư - tài chính, pháp lý, phục vụ cho việc tham gia đấu giá tần số này.

Thông tin cụ thể về phương án đấu giá, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, chi tiết về thủ tục đấu giá cũng đã được quy định tại Điều 11 Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 1-10-2021 của Chính phủ. Cụ thể, doanh nghiệp tham gia đấu giá phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước đó với Nhà nước về viễn thông, tần số vô tuyến điện, hoàn thành đóng góp tài chính vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích… Có 3 khối băng tần đấu giá gồm: A1 (2.300-2.330MHz), A2 (2.330-2.360MHz); A3 (2.360-2.390MHz). Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm; giá khởi điểm được xác định của 1 khối băng tần (gồm 30MHz) là trên 5.798 tỷ đồng/khối. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với nhà mạng trong triển khai mạng 4G, 5G sử dụng băng tần 2.300-2.400MHz…

Thông tin thêm về việc triển khai đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz, Phó Tổng Giám đốc Viettel Đào Xuân Vũ cho biết, lần đầu tiên Việt Nam triển khai một cuộc đấu giá tần số, nên Viettel hết sức thận trọng, nghiêm túc. Viettel đang tập trung nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có thể tham gia đấu giá tần số; nghiên cứu các bộ hồ sơ tham gia đấu giá mà Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu. Cùng với đó, Viettel nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực sự của tần số 2.300MHz khi phải bỏ ra chi phí khá lớn. Nếu trúng đấu giá, Viettel sẽ triển khai dịch vụ theo đúng yêu cầu mà Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Hết năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho các nhà mạng thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các chuyên gia viễn thông cho rằng, dịch vụ 4G vẫn còn quan trọng tại Việt Nam nên việc đầu tư cho 4G là rất cần thiết. Dịch vụ 5G được triển khai ở các thành phố lớn, khu tập trung đông người, các khu công nghiệp và đến năm 2025 mới phổ biến… Do vậy, việc tổ chức đấu giá, cấp phép băng tần 2.300-2.400MHz sẽ giúp các nhà mạng trong nước triển khai cung cấp dịch vụ 4G, 5G đáp ứng nhu cầu khách hàng, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục