Sáng kiến ​​y tế kỹ thuật số tăng cường an ninh y tế toàn cầu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố khởi động mối quan hệ đối tác y tế kỹ thuật số mang tính bước ngoặt.

Tháng 6-2023, WHO bắt đầu sử dụng hệ thống chứng nhận kỹ thuật số Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU) để thiết lập một hệ thống toàn cầu giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và bảo vệ công dân trên toàn thế giới khỏi các mối đe dọa sức khỏe đang diễn ra và trong tương lai. 

Đây là bước đi đầu tiên đầu tiên trong kế hoạch xây dựng Mạng chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số toàn cầu (GDHCN) của WHO, trước khi tiến tới phát triển một loạt sản phẩm kỹ thuật số nhằm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tốt hơn.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesusm cho biết, dựa trên mạng chứng nhận kỹ thuật số rất thành công của EU, WHO đặt mục tiêu cung cấp cho tất cả các quốc gia thành viên quyền truy cập vào một công cụ y tế kỹ thuật số mã nguồn mở dựa trên các nguyên tắc công bằng, đổi mới, minh bạch và bảo vệ dữ liệu cũng như quyền riêng tư. Những sản phẩm y tế kỹ thuật số mới đang được phát triển nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa: Istock

Theo WHO, dựa trên Chiến lược Y tế toàn cầu của EU và Chiến lược Toàn cầu của WHO về sức khỏe kỹ thuật số, sáng kiến kể trên tuân theo thỏa thuận ngày 30-11-2022 giữa hai cơ quan này về tăng cường hợp tác chiến lược trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Điều này tiếp tục củng cố một hệ thống đa phương mạnh mẽ với WHO là trung tâm.

Sự hợp tác này là một bước quan trọng đối với kế hoạch hành động kỹ thuật số trong Chiến lược Y tế toàn cầu của EU. Bằng cách sử dụng các phương pháp hàng đầu của châu Âu, WHO đóng góp vào các tiêu chuẩn sức khỏe kỹ thuật số và khả năng tương tác trên toàn cầu. 

Đây cũng là một ví dụ điển hình về mối liên kết giữa EU và WHO trong lĩnh vực sức khỏe ở khối này và trên phạm vi toàn cầu. Ủy viên phụ trách Y tế và An toàn Thực phẩm của EU Stella Kyriakides cho biết, WHO là đối tác hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy và phát triển hơn nữa các giải pháp y tế kỹ thuật số toàn cầu.

Hợp tác giữa hai bên bao gồm việc phát triển, quản lý và triển khai hệ thống GDHCN của WHO, trong đó bước đầu tiên là bảo đảm các chứng chỉ kỹ thuật số hiện tại của EU tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Theo Ủy viên phụ trách Thị trường nội bộ EU Thierry Breton, khối này đã thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu với 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được kết nối với Chứng chỉ kỹ thuật số Covid-19 - một công cụ không chỉ quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và du lịch quốc tế. 

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục