Khơi dậy niềm tin son sắt với Đảng

- Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của đồng chí Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm, nghiên cứu, học tập sâu rộng.

Học tập nội dung bài viết là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó khơi dậy niềm tự hào, niềm tin son sắt với Đảng, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm phục vụ công tác giảng dạy.

Xúc động, tự hào khi nghiên cứu toàn văn bài viết

Đây là cảm xúc chung khi nghiên cứu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư của nhiều cán bộ, đảng viên và người dân.

Đã bước sang tuổi 73 nhưng đồng chí Hoàng Lê Nhật, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 9, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) vẫn say mê, dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu, văn kiện, nghị quyết của Đảng và các bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua sách, báo. Ông Nhật rất xúc động khi nói về bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Nhật cho rằng, bài viết đã hệ thống một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất quá trình Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước có cơ đồ, tiền đồ tươi sáng như ngày nay. Đồng thời, bài viết cũng tổng kết những bài học xương máu, quý báu, đặt ra những yêu cầu, thách thức trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Bài viết cũng nêu bật tư duy chiến lược của Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu được đường lối của Đảng được hoạch định một cách rõ ràng, sáng tỏ. Từ đó củng cố niềm tin vững chắc trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Dành nhiều thời gian để nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua sách, báo và Internet, đồng chí Phạm Văn Luân, Bí thư chi bộ trẻ thôn Km 65, xã Yên Lâm (Hàm Yên) cho rằng, tác phẩm của Tổng Bí thư định hướng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về đường lối cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là lý luận về đường lối xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nghiên cứu, học tập tác phẩm của Tổng Bí thư giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, những thuận lợi, khó khăn, thách thức; xác định được những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong thời gian tới dưới sự lãnh đạo của Đảng để từ đó nhận thức rõ được vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

Việc chủ động, tự giác nghiên cứu, học tập và thấm nhuần ý nghĩa, nội dung bài viết của Tổng Bí thư trong mỗi cán bộ, đảng viên sẽ là tiền đề thuận lợi để toàn tỉnh triển khai học tập nghiêm túc, hiệu quả nội dụng của bài viết.

Học tập nghiêm túc, thường xuyên, sâu rộng

Thực hiện Hướng dẫn số 141 ngày 5-2-2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết nhằm tuyên truyền, giáo dục thông điệp bài viết về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng vẻ vang của Đảng, gắn với vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, ở cấp tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tiếp kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, các cơ quan, đơn vị và các xã, phường, thị trấn. Đối với các chi bộ, đảng bộ cơ sở không kết nối trực tuyến sẽ tổ chứ bằng hội nghị trực tiếp. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hội nghị cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm về nội dung bài viết của Tổng Bí thư. Việc học tập từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đảm bảo được thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân.

Theo đồng chí Mai Quang Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các khoa, phòng tổ chức hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chi bộ chuyên đề nhằm phân tích sâu sắc nội dung của tác phẩm. Đồng thời yêu cầu cán bộ, giảng viên cập nhật, vận dụng nội dung tác phẩm vào giáo án, bài giảng trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị và các chương trình bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Trọng tâm là các bài giảng về lịch sử Đảng, xây dựng Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội khoa học, nhà nước và pháp luật.

Quá trình giảng dạy phải bảo đảm truyền tải đầy đủ, sâu sắc nội dung tác phẩm, có sức lan tỏa, lôi cuốn đối với người học; sử dụng phương pháp dạy học truyền thống kết hợp với hiện đại, tăng cường trao đổi, thảo luận để làm rõ lý luận và thực tiễn; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng.

Tại cấp cơ sở, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động nghiên cứu, học tập bài viết của Tổng Bí thư để lãnh đạo xây dựng kế hoạch học tập ở chi bộ, đảng bộ. Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy sẽ tập trung lãnh đạo các chi bộ đưa nội dung bài viết vào sinh hoạt chuyên đề trong quý II của năm nay, mục đích để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về đường lối, sự lãnh đạo đúng đắn, những thành tựu vĩ đại của cách mạng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần được học tập nghiêm túc, xuyên suốt đồng thời cần được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bảo đảm có sức lan tỏa, lôi cuốn đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. 

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục