Anh Lộc Văn Thuận, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa (Na Hang).
Vốn là hộ có kinh tế khó khăn của thôn, năm 2021, anh Thuận quyết định khởi nghiệp. Với sức trẻ, lòng đam mê, anh Thuận vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang số tiền 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại nuôi lợn đen. Anh suy nghĩ, lợn đen Yên Hoa có thương hiệu từ xưa, dễ nuôi, được thương lái khắp nơi tín nhiệm nên chọn làm kinh tế sẽ an toàn hơn, vì không lo đầu ra.
Hàng xóm bảo, anh Thuận mát tay, mới bén duyên với nuôi lợn đen được hơn 3 năm, lúc đầu khởi nghiệp từ 2 con lợn nái, đến nay gia đình anh đã có gần 70 con lợn thịt và 5 con lợn nái để nhân đàn. Với giá bán lợn thương phẩm đạt 55.000 đ/kg; lợn giống 200.000 đ/1kg, doanh thu mỗi năm của gia đình anh đạt gần 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 1 nửa.
Để đạt hiệu quả trong chăn nuôi, anh Thuận đã có cách làm sáng tạo. Thay vì nuôi ở chuồng trại truyền thống anh đầu tư xây dựng kiên cố, có hệ thống xử lý chất thải và trồng thêm chuối để làm thức ăn. Đồng thời thu mua phụ phẩm từ các nhà xay xát gạo quanh vùng để làm thức ăn, chú ý phòng bệnh thường xuyên nên đàn vật nuôi luôn an toàn, phát triển tốt.
Do được nuôi lợn bằng các loại thức ăn tự nhiên, không sử dụng tăng trọng nên chất lượng sản phẩm thịt lợn ngon và thơm, tạo được uy tín với khách hàng. Ngoài xuất chuồng hơn 150 con lợn thịt mỗi năm, anh Thuận còn cung cấp con giống cho bà con trong xã và một số địa phương lân cận. Thông qua mạng xã hội anh còn tạo mối quan hệ với nhiều người làm nghề buôn lợn “cắp nách” và ngày càng có nhiều mối tìm đến tận gia đình thu mua, tạo đầu ra ổn định.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hoa Ma Đại Duy phấn khởi nói, những người trẻ như anh Thuận khởi nghiệp bằng nuôi lợn đen rất đáng ghi nhận. Trong thời gian tới chính quyền xã sẽ có nhiều cơ chế giúp đỡ thanh niên có thêm vốn vay và tổ chức các lớp học tập kinh nghiệm để giúp họ có thêm điều kiện gắn bó với mảnh đất quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết